ThienNhien.Net – Theo thông tin từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hồ sơ đề cử Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã được Ban Thư ký Công ước Ramsar xem xét công nhận là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam (sau Vườn Quốc gia Xuân Thủy – Nam Định, Bàu Sấu thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên – Đồng Nai, Hồ Ba Bể – Bắc Kạn và Vườn Quốc gia Tràm Chim – Đồng Tháp).
Dự kiến, ngày 13/12/2012 sẽ là ngày được ghi trong Bằng công nhận Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau chính thức trở thành khu Ramsar mới của thế giới và là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam. Ramsar là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước.
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có diện tích tự nhiên 41.862 ha, trong đó diện tích phần trên đất liền là 15.262 ha, diện tích phần ven biển là 26.600 ha. Tuy không đa dạng về chủng loài nhưng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có những đặc thù riêng về hệ động, thực vật. Hệ động vật của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có 93 loài chim, 26 loài thú, 43 loài bò sát, 9 loài lưỡng cư, 233 loài thủy sản, trong đó có nhiều loài quý hiếm như: Bồ Nông chân xám, Giang Sen, Cò trắng Trung Quốc, Rái Cá, Cầy Giông đốm lớn, Rùa hộp lưng đen, Rùa răng, Rùa ba gờ, Rùa cổ bự, Ba ba Nam Bộ.
Với tính chất đặc trưng của vùng đất ngập nước đa dạng và phong phú, ngày 26/5/2009, UNESCO đã chính thức công nhận một số vùng của tỉnh Cà Mau là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới, với tổng diện tích hơn 371.000 ha, trong đó Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là một trong 3 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau.
Sự kiện Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được công nhận là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam sẽ mở ra một cơ hội lớn để phát triển du lịch sinh thái, nhằm khai thác và phát huy thế mạnh, tiềm năng du lịch sinh thái của vùng đất cuối trời Tổ quốc, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững của tỉnh Cà Mau.