ThienNhien.Net – Từ năm 2006, chính phủ đã ban hành nghị định nghiêm cấm tất cả các hành vi săn bắn, bẫy, bắt, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng nguy cấp, quý hiếm trái quy định, thậm chí với mức độ vi phạm nặng, các cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự thay vì chỉ bị xử phạt hành chính. Vậy nhưng sau bao năm, tại nhiều địa phương, tiếng súng săn vẫn hiện diện. Bắc Kạn cũng là một trong những nơi chưa từng ngớt tiếng súng săn, cứ mỗi dịp lên đây lại nghe người ta kháo nhau: muốn ăn đặc sản thú rừng chỉ cần tìm đến Chợ Đồn, Bạch Thông, Ngân Sơn, Ba Bể, Na Rì…, nơi nào cũng có đủ.
“Quen săn rồi, không bỏ được”
Vượt qua đèo Kéo Kền, không khí mát mẻ báo hiệu những cánh rừng già thuộc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc (xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn) đang ở rất gần. Tại Bản Tưn, một gia đình giới thiệu cho chúng tôi một con khỉ gió đang leo trèo đến chóng mặt trong cái lồng chật chội. Gia chủ cho biết: “Nó vừa sinh con xong, có mua thì bán cho” và không quên tiếp thị “nếu mua cầy hương hay dúi thì ở Bản Tưn hoặc Bản Ó đều có”.
Làm quen với ông T, một thợ săn lão luyện ngụ tại bản Tưn, chúng tôi được ông thật thà bày tỏ: “Mình chẳng nhớ đã hạ bao nhiêu con thú”. Trong danh sách các loài bị ông hạ sát, ngoài lợn rừng, hoẵng, nai, chim,… còn có cả loài voọc đen má trắng (tiếng Tày thường gọi là Tua Càng) hiện đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Cũng theo ông T, từ khi có chủ trương thu súng của tỉnh, một số gia đình đã đem nộp, một số thì vẫn cất giấu chờ thời sử dụng.
Trong vai một lái buôn đi thu mua đặc sản rừng, chúng tôi tiếp cận thêm được với H, một tay súng khá nổi tiếng ở khu vực Vườn quốc gia Ba Bể. H cho biết, để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, súng, đạn đều được các tay săn cất giấu trong rừng, hàng ngày khi đi vào rừng chỉ đi người không. H cũng tỏ ra không kém cạnh vị “anh cả” tên T khi liệt kê hàng loạt các loại thú rừng đã hạ săn được, và trong số rất nhiều loài thú đáng thương đó cũng có cả loài voọc đen má trắng quý hiếm.
Theo tiết lộ của H, giá cầy hương, lợn rừng đổ buôn cho nhà hàng vào khoảng 400.000 đồng/kg, các loại khác thì giá cao hơn. Đối với H, bữa nào bắn bị thương và bắt được các loại khỉ, voọc còn sống thì coi như bắt được vàng. Cũng chính nhờ nghề săn bắn, thu mua trái phép các loại thú rừng mà H xây dựng được cơ ngơi hoành tráng nhất nhì vùng.
Khi đề cập đến các quy định nghiêm cấm săn bắn thú quý hiếm, H và cả một số tay súng đều ý thức được việc mình làm là sai trái, song tất cả đều viện cớ “ruộng ít, cuộc sống nghèo khó, quen đi săn rồi giờ không bỏ được…” nhằm biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật.
Thiệt mạng vì súng săn
Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-QH ngày 30/6/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cũng như Chỉ thị số 36/CT-TU của Tỉnh ủy Bắc Kạn về vấn đề này, trên địa bàn đã có hàng trăm khẩu súng săn, hàng trăm viên đạn tự chế được người dân tự nguyện giao nộp cho cơ quan quản lý. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ vẫn âm thầm tự chế, tàng trữ súng, dùng súng làm công cụ săn bắn, đặc biệt là tại các bản vùng sâu vùng xa ở Ba Bể, nơi mà địa phương và nhà nước ra sức kêu gọi bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm.
Điều đáng nói là những họng súng săn không chỉ ngày đêm tận diệt bao loài thú quý hiếm mà còn gây ra không ít sự vụ đau lòng. Năm 2009, tay súng Hoàng Văn Dinh (trú tại thôn Pù Nùng, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn) trong khi đi săn đêm đã bắn nhầm làm chết anh Ngô Văn Tá, người cùng thôn.
Gần đây nhất, rạng sáng ngày 2/11, tại trung tâm Vườn quốc gia Ba Bể, tay súng Triệu Trung Tiền (sinh năm 1975, trú tại thôn Nà Kiêng, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể) cũng bị thiệt mạng do dùng súng săn do chính mình tự chế và bị cướp cò…
Trao đổi về những khó khăn trong công tác quản lý súng, đạn tự chế, Trung tá Triệu Tài Chu, Phó trưởng Công an huyện Ngân Sơn cho biết, hiện nay một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là người dân ở các bản vùng sâu vùng xa vẫn lén lút sử dụng súng tự chế. Vì là loại súng dễ tháo lắp nên người dân dễ cất giấu, cơ quan chức năng cũng khó phát hiện. Cũng theo Trung tá Chu thì lợi nhuận của mặt hàng thịt thú rừng là động lực không nhỏ khiến những tay săn không muốn bỏ nghề.
Để dẹp yên được vấn nạn nhức nhối này, thiết nghĩ, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, các cơ quan chức năng cần xây dựng các chế tài đủ mạnh nhằm quản lý hiệu quả súng săn và ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã, để đâu đây giữa những cánh rừng đại ngàn không còn tiếng súng săn thi thoảng “tiễn” các loài thú hoang lên bàn nhậu.