ThienNhien.Net – Ngày 15/11, BQL di sản Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho biết, trong khuôn khổ Dự án “Bảo tồn và Quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên vùng Phong Nha – Kẻ Bàng, Việt Nam”, các nhà khoa học của Tổ chức BirdLife đã tiến hành khảo sát đa dạng sinh học các loài chim trong phạm vi khu vực mở rộng của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng thuộc địa phận hai xã Thượng Hóa và Hóa Sơn, huyện Minh Hóa.
Nhóm khảo sát đã phát hiện ở đây 159 loài chim, trong đó có 5 loài đang bị đe dọa trên tòa cầu, 2 loài sắp nguy cấp ở cấp quốc gia. Đã ghi nhận 3 trong tổng số 7 loài có phân bố hẹp ở “Vùng chim đặc hữu đất thấp Miền Trung” gồm: Khướu mỏ dài (Jabouilleia danjoui), Khướu đá mun (Stachyris herberti) và Chích chạch má xám (Macronous kelleyi).
Khướu đá mun là loài mới chỉ được ghi nhận ở một địa điểm khác ở miền Trung Việt Nam là Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrong, nhưng với quần thể nhỏ trong phạm vi hẹp.
Loài chích chạch má xám là loài có vùng phân bố hẹp đã quan sát thấy ở khu vực Mò Ó, xã Thượng Hóa. Đây là ghi nhận đầu tiên về loài này cho Vùng chim quan trọng Kẻ Bàng.
Loài chích đá vôi (Phylloscopus calciatilis) ở hai điểm thuộc xã Thượng Hóa. Đây là loài hoàn toàn mới được khoa học mô tả và công bố.
Cả hai loài khướu đá mun và chích đá vôi là những loài chỉ sống ở sinh cảnh rừng trên núi đá vôi và chúng chỉ tìm thấy ở một vài nơi tại Việt Nam – tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) ngày 15/11.
Cùng liên quan đến sự kiện phát hiện loài, ngày 14/11, một gia đình ở xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An cũng phát hiện một cá thể bướm khổng lồ, sải cánh rộng chừng 30 cm, màu sắc sặc sỡ và có nhiều hoa văn trên đôi cánh. Theo tìm hiểu, đây là con bướm thuộc loài bướm khế có tên khoa học là Attacus Atlas, được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam và thuộc loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.
Trước đó, hồi đầu tháng 8/2011, cũng tại Yên Thành, người dân cũng phát hiện một con bướm có kích thước tương tự. Ngày 31/7/2011, một cá thể bướm khổng lồ (sải cánh 50 cm) cũng được ghi nhận tại Quảng Nam.