Thủy điện có thể thổi bùng xung đột về nguồn nước sông Nile

ThienNhien.Net – Quyền đối với nguồn nước sông Nile từ lâu đã là chủ đề tranh chấp giữa các quốc gia hạ nguồn và thượng nguồn con sông này. Tình thế càng trở nên căng thẳng khi quốc gia thượng nguồn Ethiopia triển khai xây đập Grand Ethiopian Renaissance, một dự án vừa cung cấp nguồn điện và nguồn nước tưới tiêu cho đất nước này. Các nước hạ nguồn, đặc biệt là Ai Cập đang cảm thấy bị đe dọa bởi hành động của Ethiopia. Nếu các nỗ lực ngoại giao thất bại, sự căng thẳng này rất có thể sẽ dẫn đến một cuộc xung đột khu vực nghiêm trọng.

Ai Cập và Sudan nắm giữ toàn quyền sử dụng nguồn nước sông Nile theo Hiệp định đã ký năm 1929 giữa Ai Cập và Anh, khi đó đang nắm giữ các thuộc địa là Kenya, Sudan và Uganda.

Hiệp định này sau đó đã được củng cố bằng hiệp ước song phương năm 1959 giữa Ai Cập và Sudan. Tuy nhiên, cả hai thỏa ước năm 1929 và năm 1959 đều bị nhiều nước ven sông bác bỏ sau khi giành được độc lập.

Cho đến những dấu hiệu tích cực gần đây về hợp tác giữa một số quốc gia ven sông Nile thì tranh chấp giữa các nước hạ nguồn và thượng nguồn về quyền sử dụng nước sông Nile đã là câu chuyện dài hàng thế kỷ.

Tháng 5 năm 2010, năm quốc gia thượng nguồn sông Nile là Ethiopia, Kenya, Uganda, Rwanda và Tanzania (sau này là cả Burundi) đã ký kết Hiệp định khung Hợp tác (CFA) với thỏa thuận cho phép họ được sử dụng nhiều nước hơn từ sông Nile. Động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của hai nước hạ nguồn là Ai Cập và Sudan.

CFA được thiết kế để thay thế hiệp ước năm 1929 và Hiệp định song phương năm 1959 giữa Sudan và Ai Cập, những nước hiện được coi là nhân tố chính trong cuộc tranh chấp giữa các quốc gia ven sông. Tuy nhiên, CFA ngay lập tức đã bị Ai Cập bác bỏ.

Sau đó, Ethiopia bắt đầu xây dựng Đập Grand Renaissance Ethiopia với hồ chứa 63 tỷ m3 nước, là công trình thủy điện lớn nhất châu Phi. Mặc dù Ethiopia đã chấp nhận không sử dụng hồ chứa cho mục đích thủy lợi, đập mới vẫn trở thành một vấn đề đối với Ai Cập.

Theo một báo cáo gần đây từ Wikileaks, Sudan đã đồng ý cho đặt một căn cứ không quân của Ai Cập tại Kuris thuộc phía Tây khu vực Darfur của nước này. Cơ sở này được cho là có thể được sử dụng để Ai Cập khởi động một cuộc tấn công vào con đập của Ethiopia nếu các nỗ lực ngoại giao thất bại. Cũng theo Wikileaks, quan chức của Ai Cập từng tuyên bố nếu căng thẳng leo thang họ có thể “cho trực thăng sang ném bom con đập rồi quay về trong một ngày”.

Ảnh: Panoramio.com

Rõ ràng là con đập đang được triển khai của Ethiopia báo hiệu mức độ nghiêm trọng của những căng thẳng trong khu vực liên quan tới vấn đề chia sẻ nguồn nước sông Nile.

Căng thẳng trong vùng Sừng châu Phi vốn đã là mối quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế do sự bất ổn định ở khu vực này. Trong khi đó khan hiếm nước, mất an ninh lương thực, di cư do khí hậu và đói nghèo đang gia tăng ở nhiều khu vực thuộc các quốc gia ven sông. Xung đột đang nổi lên tại đây có thể lây lan bất ổn chính trị, xã hội và kinh tế đến các khu vực xung quanh. Thêm nữa, xung đột nguồn nước sông Nile còn có thể thổi bùng những mâu thuẫn hiện có trong khu vực, làm cho tình hình trở nên phức tạp và khó khăn hơn.

Xung đột rất có thể xảy ra khi các quốc gia ven sông vẫn tin rằng quyền lợi của họ về nguồn nước chung đang bị đe dọa bởi hành động của các quốc gia thượng nguồn. Tuy nhiên, thay vì xung đột, các quốc gia có thể thông qua hợp tác để cùng hưởng lợi từ nguồn nước sông Nile. Bằng cách hợp tác để cùng nhau quản lý nguồn tài nguyên nước chung, các quốc gia có thể xây dựng lòng tin và ngăn ngừa xung đột.

Tiếp tục tìm kiếm các giải pháp hợp tác để phát triển một khung pháp lý mới cho việc quản lý sông Nile là con đường hứa hẹn duy nhất để tránh một cuộc xung đột tương lai trong việc sử dụng nguồn nước sông Nile, đồng thời có thể tối đa hóa lợi ích cho tất cả các bên, góp phần vào sự phát triển xã hội, kinh tế và chính trị của khu vực.