ThienNhien.Net – Dù đã được đưa vào quy hoạch phát triển của tỉnh đến 2010 nhưng cho đến nay dự án mở rộng cụm công nghiệp (CCN) Cổ Tiết thành khu công nghiệp (KCN) Tam Nông vẫn chưa gỡ được những vướng mắc trong quá trình đền bù, thu hồi đất.
Đất đã thu nhưng giấy tờ chưa ký
Đã hơn 3 năm trôi qua nhưng nhiều người dân huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ còn chưa quên vụ thu hồi đất nông nghiệp của bà con khu 2, 3, xã Tam Cường để bàn giao xây dựng nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu khu vực phía Bắc nằm trong vùng được quy hoạch KCN Tam Nông.
Ông Phạm Công L., một người dân khu 3 xã Tam Cường cho biết: “Đến giờ gia đình tôi và hơn 100 hộ dân khác nữa ở khu 2 và khu 3 vẫn chưa ký vào biên bản thu hồi đất để xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu Ethanol, nhưng đất nông nghiệp trồng lúa 2 vụ của chúng tôi bị cưỡng chế từ năm 2009 thì đã bị lấp đất, san nền cho nhà máy”.
Ông L. nhớ lại, cuối tháng 10 năm 2008, huyện triệu tập cuộc họp toàn dân tại hội trường xã Tam Cường cùng các ban ngành của huyện và đại diện Công ty cổ phần Hóa dầu. Nhiều người dân bày tỏ ý kiến phản đối việc lấy đất nông nghiệp ra làm dự án và yêu cầu dự án chuyển vị trí lên đồi rừng. Tuy nhiên, việc thu hồi đất vẫn diễn ra.
Trong lá đơn tố cáo dài tới gần 7 trang giấy đề ngày 15/11/2011, mà ông L. và đại diện một số hộ dân khác đã ký tên và gửi Tổng thanh tra chính phủ đến lần thứ 3, họ cho rằng việc thu hồi đất như vậy là trái pháp luật: “Việc lấy đất lúa hai vụ có năng suất cao, ổn định tưới tiêu ra làm dự án xây dựng KCN là hủy hoại đất đai, vi phạm pháp luật, trái với nghị quyết trung ương VII khóa X trong chính sách Tam nông của của Đảng, đi ngược lại với Nghị định 69 của Chính phủ, trái với quyết định 232 của tỉnh ủy Phú Thọ ngày 29/9/2008…” Chính những lý do trên mà các hộ dân xã Tam Cường không đồng thuận với việc làm của Hội đồng giải phóng mặt bằng.
Dân nói có chính quyền bảo không
Ông Đinh Công M., trưởng khu 3, xã Tam Cường cho biết khu vực dự án KCN Tam Nông vẫn còn gần 100 hộ dân chưa nhận tiền đền bù vì họ cho rằng giá đền bù rẻ mạt và quy trình xác định đền bù không tuân thủ luật đất đai. Giá đền bù tính ra 33.770đ/m2, tức chỉ khoảng 12 triệu đồng/ sào, như vậy quá thiệt thòi.
Cũng theo phản ánh của một số người dân xã Tam Cường, cái thuận lợi của công nghiệp thì chưa thấy, tương lai thì chưa biết như thế nào nhưng kênh mương thì đã bị lấp, giao thông nát bét, bụi mù, người dân chưa có việc làm…Nhà máy nói sẽ nhận con em các gia đình vào làm nhưng chưa đâu vào đâu, thanh niên bỏ đi làm ăn xa hết,vào tận Tây Nguyên làm thuê hoặc đi phụ hồ, xây dựng ở nhiều nơi.
Qua tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, khu 3, xã Tam Cường hiện còn 80 hộ chưa nhận tiền đền bù trong tổng số 147 hộ, hơn 1.400 nhân khẩu của thôn. Dự án nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu khu vực phía Bắc dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào sản xuất năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện và chưa có máy móc, vật liệu xây dựng vẫn còn ngổn ngang.
Trái với những gì chúng tôi được nghe và thấy ở Tam Cường, ông Thiều Vinh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Phú Thọ lại chia sẻ với chúng tôi rằng: “Riêng ở Tam Cường Nhà nước đã giải quyết rất nhiều lần. Thanh tra Chính phủ đã nhiều lần vào cuộc, cũng đã tổ chức cưỡng chế. Vấn đề này đã qua cách nay 5 năm, có khi người ta đã giải quyết xong rồi. Người dân không biết lại bảo UBND tỉnh bao che cho cấp dưới. Đó là do người dân không hiểu về quản lý nhà nước. Tỉnh đã từng bước có hướng chỉ đạo, về giải quyết đơn thư khiếu nại, sau khi đoàn thanh tra chính phủ đến rà soát thì đã giải quyết gần như hết các đơn thư khiếu nại, vấn đề này tỉnh làm rất tốt, nhiều năm nay Phú Thọ không có khiếu kiện kéo về trụ sở cơ quan nhà nước và về trung ương. Thêm nữa, năm nào Nhà nước cũng trích ngân sách và tiền xử phạt các đơn vị doanh nghiệp không đảm bảo môi trường để đền bù, hỗ trợ cho người dân…”
Theo các văn bản mà UBND tỉnh Phú Thọ cung cấp, tại Nghị quyết số 154/2008/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Phú Thọ ngày 13/10/2008 cùng Quyết định số 4124/QĐ-UBND của UBND tỉnh Phú Thọ ngày 31/12/2008 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển tổng thể các khu, cụm công nghiêp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 – 2010, định hướng đến năm 2020 đều có nội dung quy hoạch điều chỉnh, bổ sung CCN Cổ Tiết (huyện Tam Nông) thành KCN Tam Nông từ diện tích 30 ha lên 350 ha giai đoạn 2008 – 2010. Tuy nhiên đến thời điểm này (tháng 11/2012) vẫn chưa thấy hình hài của KCN Tam Nông. |