Rủi ro môi trường bị coi nhẹ trong thẩm định vốn vay

ThienNhien.Net – Lợi nhuận là yếu tố quan trọng hàng đầu trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, đôi khi, cũng vì quá ưu tiên mục tiêu số một này mà nhiều khía cạnh liên quan khác đã bị bỏ qua hoặc bị xem nhẹ trong quá trình thẩm định hồ sơ tín dụng. Một trong những khía cạnh có thể kể tới là những rủi ro về mặt môi trường trong các dự án đệ trình xin vay vốn. Điều đáng nói là tiêu chí đánh giá những rủi ro này trong hầu hết các ngân hàng hiện nay chỉ được xem xét dựa trên việc kiểm chứng các giấy tờ văn bản chứ chưa dựa trên những đánh giá thực tế một cách nghiêm túc.

Trách nhiệm chưa được luật hóa

Sở dĩ yếu tố môi trường ít được xem trọng trong quá trình thẩm định các dự án tín dụng bởi cho đến nay tiêu chí này vẫn chưa được luật hóa bằng các quy định cụ thể liên quan đến trách nhiệm của các ngân hàng.

Bản thân Ngân hàng Nhà nước trong vai trò người quản lý chung cũng chưa có một chính sách, quy định, hay hướng dẫn nào đối với việc các ngân hàng thương mại hoạt động ở Việt Nam phải cân nhắc đến những rủi ro về môi trường và an sinh xã hội khi cấp tín dụng.

Văn bản pháp lý cao nhất quy định về các hoạt động đảm bảo an toàn môi trường, xã hội ở Việt Nam hiện nay là Luật Bảo vệ môi trường 2005. Tuy nhiên, Luật này cũng chỉ tập trung làm rõ trách nhiệm của khối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ các ngành nghề quan trọng (Chương V, Điều 35 – Điều 49), ngoài ra không nhắc đến trách nhiệm của ngành tài chính, ngân hàng.

Chính sự sơ suất này đã tất yếu dẫn đến hệ lụy là các cán bộ tín dụng ngân hàng hầu như không chú trọng tới việc đánh giá các rủi ro về môi trường, xã hội khi thẩm định tín dụng. Theo một báo cáo nghiên cứu(1) chưa công bố của Th.S Nguyễn Hồng Anh (Phòng Chính sách, Trung tâm Con người và Thiên nhiên – PanNature) thực hiện trên 19 ngân hàng thương mại Việt Nam lớn nhất hiện nay, hầu hết các cán bộ tín dụng chỉ kiểm tra trong hồ sơ xin vay vốn xem có bản đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt hay chưa, một số sẽ kiểm tra công nghệ xả thải và kế hoạch di dân (nếu có) của công trình/dự án, nhưng hầu hết đều dựa vào kinh nghiệm của người thẩm định chứ không có những quy định cụ thể của ngân hàng về vấn đề này.

Điểm đáng quan ngại là chất lượng đánh giá tác động môi trường các dự án ở Việt Nam hiện nay tương đối yếu, hầu như chỉ được xem như một việc cần làm để xin giấy phép hoạt động cho dự án thay vì một bước tính toán cân nhắc về những tác động đến môi trường, xã hội và cách giảm thiểu, khắc phục. Đây cũng chính là lý do được các cán bộ tín dụng ngân hàng “vin vào” nhằm phủ nhận trách nhiệm và năng lực của phía ngân hàng trong việc thẩm định các báo cáo dạng này.

Trong khi đó, với thực quyền quyết định việc cho hoặc không cho những dự án nào vay vốn theo tiêu chí đã định, các ngân hàng hoàn toàn có thể góp phần hạn chế những rủi ro về mặt môi trường, xã hội, nhất là những dự án gây ô nhiễm hoặc có tác động xấu tới môi trường và cuộc sống của người dân. Mặt khác, việc kiểm soát chặt ngay từ khâu thẩm định tín dụng còn khuyến khích các doanh nghiệp hướng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh sạch và an toàn hơn.

(Ảnh minh họa: cafef.vn)

Trên thực tế, một số định chế tài chính quốc tế hoạt động ở Việt Nam như Ngân hàng Thế giới (WB), Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã có những bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội mà các dự án và đối tác vay vốn hoặc nhận tài trợ của họ phải tuân theo.

Tuy nhiên, gần đây mới bắt đầu có những nghiên cứu đầu tiên về vai trò và trách nhiệm của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong việc đảm bảo an toàn môi trường và xã hội khi thực hiện việc cấp tín dụng cho các dự án. Theo một khảo sát của IFC (2012), hiện có ba ngân hàng thương mại Việt Nam có hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội, trong đó có hai ngân hàng(2) sử dụng bộ tiêu chuẩn của IFC, một ngân hàng(3) có tham khảo bộ tiêu chuẩn này nhưng cũng xây dựng chính sách riêng của ngân hàng mình (Phạm & Macek, 2012)(4).

Hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đang xúc tiến việc soạn thảo một quy định đối với các ngân hàng hoạt động trong nước về việc đảm bảo an toàn môi trường, xã hội trong các hoạt động tín dụng.

Khuyến nghị và đề xuất

Nhằm nâng cao tính trách nhiệm của ngành ngân hàng đối với môi trường và xã hội, đặc biệt là thông qua các hoạt động tín dụng, theo Th.S Nguyễn Hồng Anh, ngành ngân hàng cần phối hợp với các bộ, ngành, và các bên liên quan xây dựng một hệ thống phân loại, đánh giá các ngành nghề và cơ sở gây ô nhiễm để từ đó các ngân hàng cũng có cơ sở để đánh giá khi thẩm định tín dụng và ra quyết định cấp tín dụng. Cũng có thể tạo cơ chế để các đơn vị ngoài nhà nước tham gia vào việc xây dựng các hệ thống phân loại độc lập.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần được yêu cầu công khai thông tin nhiều hơn về việc cấp tín dụng cho các dự án có khả năng gây ảnh hưởng đến môi trường và an sinh xã hội để người dân cũng như những bên quan sát độc lập có thể theo dõi và phản hồi về tính trách nhiệm của các ngân hàng.

Riêng với Ngân hàng Trung ương, cần có kế hoạch đứng ra đánh giá việc thực hiện chính sách này ở các ngân hàng, trong đó có việc xây dựng một kênh tiếp nhận thông tin từ người dân, các địa phương, cũng như các bộ, ngành có liên quan. Tránh tình trạng ra luật và để thực hiện một thời gian mới bắt đầu xây dựng kế hoạch đánh giá. Thay vào đó, ngay từ đầu nên xây dựng một bộ chỉ số đánh giá tính hiệu quả của chính sách, trên cơ sở đó chủ động theo dõi và đánh giá.

Cuối cùng, việc ra một chính sách về tín dụng xanh không phải là công cụ duy nhất để thúc đẩy trách nhiệm của ngành ngân hàng đối với môi trường và xã hội và do đó, cần được kết hợp với các cách tiếp cận khác, trong đó có việc phối hợp với các cơ quan có chức năng liên quan cũng như với các hiệp hội ngành nghề sản xuất, các viện nghiên cứu chính sách, và các tổ chức xã hội dân sự.


1. Nguyễn, H. A. (2012). Vai trò của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong việc đảm bảo an toàn môi trường và xã hội. Báo cáo chưa công bố. Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature).

2: Techcombank và Vietinbank

3: Sacombank

4: Phạm, N. L., & Macek, K. (2012). Rà soát hoạt động quản lý rủi ro môi trường và xã hội tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. Hội thảo về Quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong ngành ngân hàng. Hà Nội: SBV và IFC.