ThienNhien.Net – Trên lãnh thổ Việt Nam, chỉ số khô hạn năm phổ biến là 0,3-1,0, do đó không có quá trình sa mạc hóa mà chỉ có quá trình hoang mạc hóa với tổng số lên đến 9,3 triệu ha đất, chiếm khoảng 28% diện tích đất tự nhiên, trong đó có 2 triệu ha đang được sử dụng đã bị thoái hóa nặng và 2 triệu ha có nguy cơ thoái hóa cao.
Các loại hình hoang mạc hóa chính ở nước ta gồm hoang mạc đá-hoang mạc đất khô cằn; hoang mạc cát; hoang mạc đất nhiễm mặn và hoang mạc đất nhiễm phèn. Trong đó hoang mạc đá-hoang mạc đất khô cằn là các núi đá và đất trống đồi núi trọc chiếm khoảng 4,2 triệu ha. Đây là hậu quả của việc chặt phá rừng, đốt nương làm rẫy bừa bãi, sử dụng đất thiếu bền vững qua nhiều thế hệ làm đất đai bị thoái hóa về mặt vật lý, nên cây cối khó có khả năng tái sinh.
Hoang mạc cát gồm các dải cát hẹp chạy dọc theo bờ biển Miền Trung, tập trung ở 10 tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận với diện tích 419.000ha và Đồng bằng sông Cửu Long 43.000ha, hầu hết là các đụn cát, đồi cát lớn di động theo mùa. Trong gần 40 năm qua, quá trình hoang mạc hóa do cát di động, cát bay và trượt lở cát diễn ra rất nghiêm trọng. Nhất là ở những tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ do lượng mưa trung bình hàng năm chỉ đạt 700mm, nên mỗi năm có 10-20ha đất canh tác bị lấn bởi cát di động.
Còn hoang mạc đất nhiễm mặn cũng phân bố dọc theo ven biển nước ta tại các vùng có địa hình thấp. Hiện 500.000ha đất ở đây đang bị nạn xâm nhập mặn đe dọa, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2009, theo hướng biển Tây, độ mặn lớn hơn 4 phần nghìn đã vào tận huyện Bình Thạnh giáp với tỉnh An Giang. Cũng trong mùa khô năm này, nước mặn xâm nhập vào nội địa tới 70km, làm cho một vùng rộng lớn của châu thổ sông Cửu Long bị nhiễm mặn.
Hoang mạc đất nhiễm phèn tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long tại các khu vực Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau. Trong số 3,9 triệu ha đất toàn vùng, có đến 1,9 triệu ha bị nhiễm phèn. Do tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng đưa mặn vào sông ngòi, đồng ruộng làm cho độ mặn hóa của đất tăng lên, trong khi phèn tầng mặt giảm do quá trình nước ém phèn xuống tầng đất sâu. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mục đích từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang đất nuôi trồng thủy sản, đã và đang làm thay đổi kết cấu đất, làm tăng độ phèn, dẫn đến suy thoái nguồn tài nguyên đất ngày càng diễn ra đáng báo động.