ThienNhien.Net – Chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 ngày 30/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, khai thác rừng trái pháp luật.
Đồng thời, các tỉnh, thành phố phải huy động các lực lượng thường xuyên phát hiện và phòng cháy chữa cháy rừng kịp thời hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra; kiểm tra, giám sát việc trồng rừng thay thế đối với các dự án khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất có rừng sang xây dựng công trình thủy điện, khai thác khoáng sản và các công trình xây dựng khác, xử lý nghiêm đối với các sai phạm theo quy định.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn chỉnh lại Đề án quản lý khai thác rừng sản xuất là rừng tự nhiên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2012.
Trong đề án này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phân tích làm rõ ưu nhược điểm, tác động đến kinh tế, xã hội của từng phương án, gồm: Phương án 1: Tạm dừng khai thác gỗ rừng sản xuất là rừng tự nhiên trên địa bàn cả nước; Phương án 2: Đối với vùng Tây Nguyên cho phép Công ty Lâm nghiệp Đắk Tô, tỉnh Kon Tum (đã được cấp Chứng chỉ gỗ có kiểm soát và sẽ cấp Chứng chỉ rừng FSC quốc tế vào năm 2013) được khai thác sản lượng ổn định 8.000 m3/năm; đối với các địa phương còn lại, cho phép các công ty khai thác theo phương án điều chế rừng hoặc phương án quản lý rừng bền vững được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Có phương án trồng rừng thay thế khả thi mới được khởi công công trình
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn dự thảo Thông tư hướng dẫn trồng rừng thay thế đối với các dự án khi chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang xây dựng công trình thủy điện, khai thác khoáng sản và các công trình xây dựng khác.
Việc trồng rừng thay thế phải quy định chặt chẽ theo hướng: Phải có phương án trồng rừng được duyệt bảo đảm tính khả thi thì mới được khởi công công trình; đối với những tỉnh không còn đất trồng rừng thay thế thì phải nộp số tiền theo dự án trồng rừng thay thế được duyệt về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng trung ương để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí cho tỉnh còn quỹ đất trồng rừng thay thế thực hiện.
Đối với dự án đã chuyển mục đích sử dụng rừng từ khi Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 của Chính phủ có hiệu lực mà đến nay chưa trồng rừng thay thế thì yêu cầu chủ đầu tư phải trồng lại rừng nếu địa phương đó còn quỹ đất, nếu không còn quỹ đất thì phải nộp tiền theo hướng xử lý nêu trên.
Lập đoàn kiểm tra tình hình thực hiện dự án trồng rừng thay thế
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan tiến hành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình thực hiện dự án trồng rừng thay thế tại các địa phương.
Được biết, tính đến nay chúng ta đã khoán bảo vệ rừng được hơn 1.966.000 ha, đạt 98% kế hoạch, ước thực hiện năm 2012 là 2.000.000 ha, đạt 100% kế hoạch; khoanh nuôi tái sinh 211.337 ha; trồng rừng tập trung 137.000 ha; trồng 35.760.000 cây phân tán đạt 72% kế hoạch, ước thực hiện năm 2012 trồng 50.000.000 cây, đạt 100% kế hoạch…