ThienNhien.Net – Hiện nay, người dân TP. Hồ Chí Minh đang ngày ngày đối mặt với ô nhiễm từ các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn và từ các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh hiện có 6/15 KCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhưng qua kiểm tra đã phát hiện nhiều KCN có nồng độ chất thải vượt quy chuẩn cho phép từ gần 2 lần đến gần 40 lần. Hàng loạt KCN xả thải gây ô nhiễm môi trường như: KCN Cát Lái 2, Hiệp Phước, Tân Tạo, Tân Thới Hiệp… Những đơn vị khác nhẹ hơn là: KCN Tân Phú Trung, Khu chế xuất Linh Trung III… Đây đều là những nguồn đầu độc môi trường sống của người dân thành phố.
Trên địa bàn huyện Bình Chánh có 18 tuyến kênh ô nhiễm nhẹ, 7 tuyến kênh ô nhiễm nặng do nguồn thải từ thượng nguồn đổ về từ các KCN xả ra, trong đó khu vực bị ô nhiễm nặng nề nhất là khu vực cạnh KCN Lê Minh Xuân. Gần 10.000 hộ dân xung quanh phải sống chung với mùi hôi khó chịu từ hệ thống nước thải của KCN. Ô nhiễm thẩm thấu vào nước ngầm, người dân phải khoan sâu từ 150 – 200 m mới có nước sạch và nước cũng bị hôi.
Nước trên tuyến kênh Đức Hạnh (giáp ranh giữa huyện Củ Chi và tỉnh Long An) cũng đen thui và bốc mùi do phải hứng nước thải từ các khu công nghiệp (KCN) nằm trên địa bàn huyện Đức Hòa (Long An) và các nhà máy trên địa bàn huyện – báo Tin Tức online ngày 01/11 phản ánh.
Ngoài ra ,TP. Hồ Chí Minh vì ở cuối nguồn nên cũng đang hứng chịu ô nhiễm từ Bình Dương. Tỉnh Bình Dương cũng có 28 KCN với tổng diện tích hơn 8.700 ha, trong đó 21 KCN đã đi vào hoạt động với tổng lượng nước thải công nghiệp khoảng 49.000 m3/ngày đêm. Qua kiểm tra của các ngành chức năng mới đây đã phát hiện 14/21 KCN ở tỉnh này xả thải vượt chuẩn cho phép. Những KCN được xếp hạng “đen” là KCN Bình Đường, Sóng Thần 2, Tân Đông Hiệp A, Tân Đông Hiệp B. Khi các KCN của Bình Dương hoặc Long An xả thải thì TP Hồ Chí Minh “gánh” hết.
Rõ ràng cần có những biện pháp xử lý mạnh tay hơn thì mới mong giảm được tình trạng ô nhiễm môi trường từ công nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh.