ThienNhien.Net – Hơn 100 nhà ngoại giao, nhà khoa học chính trị, nhà kinh tế và các chuyên gia tài nguyên nước đến từ hơn 25 quốc gia đang tập trung tại Chiang Rai, Thái Lan để thảo luận về “ngoại giao nguồn nước”, đặc biệt là cách thức quản lý các lưu vực sông chảy qua nhiều quốc gia.
Các lưu vực sông quốc tế đang là nơi sinh sống của 40% dân số toàn cầu. Khi áp lực về tài nguyên nước tiếp tục gia tăng cùng với biến đổi khí hậu, gia tăng dân số và sự phát triển chóng mặt của các công nghệ khai thác nước thì các cuộc xung đột liên quan đến việc phân bổ nguồn nước càng có điều kiện để phát sinh, thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn.
Trong bối cảnh ấy, “ngoại giao nguồn nước” – một công cụ quan trọng để đảm bảo rằng tài nguyên nước được quản lý hiệu quả, bền vững và công bằng – sẽ được tập trung thảo luận tại Hội thảo “Ngoại giao nguồn nước: Công cụ chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới”.
“Với hơn 270 sông hồ xuyên biên giới trên toàn cầu, Liên hợp quốc đã đúng khi công nhận tầm quan trọng của quản lý nguồn nước hiệu quả bằng tuyên bố năm 2013 là Năm Quốc tế Hợp tác về nguồn nước. Ngoại giao về nguồn nước đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh này và còn vượt xa hơn cả ngành khoa học về nước bởi nó liên quan đến chủ quyền, an ninh chính trị và kinh tế.” – Ông Alejandro Iza, giám đốc Trung tâm Luật Môi trường của IUCN nhận định.
Hội nghị là một sáng kiến thuộc Chương trình nước toàn cầu của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).