ThienNhien.Net – Chính phủ Phần Lan mới đây đã ra quyết định mở cuộc điều tra về vai trò của Tập đoàn Pöyry trong dự án đập Xayaburi trên dòng chính Mê Kông.
Cuộc điều tra được tiến hành sau khi 15 tổ chức xã hội dân sự từ 7 quốc gia trên thế giới đệ đơn khiếu nại Tập đoàn Pöyry (Phần Lan) hồi tháng 6 năm nay.
Đơn khiếu nại cáo buộc Tập đoàn Pöyry , với vai trò trong dự án đập Xayaburi, đã vi phạm các Hướng dẫn của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) dành cho các doanh nghiệp đa quốc gia – tiêu chuẩn toàn cầu về trách nhiệm của doanh nghiệp mà tất cả các công ty của Phần Lan buộc phải tuân theo.
Sự thể là Tập đoàn Pöyry được chính phủ Lào chọn làm đơn vị tư vấn thực hiện Báo cáo tuân thủ đối với dự án đập thủy điện Xayaburi. Pöyry sau đó kết luận rằng dự án đập thủy điện Xayaburi đã tuân thủ Hướng dẫn Thiết kế của Ủy hội sông Mê Kông (MRC), rằng Lào đã hoàn tất quá trình Thông báo, tham vấn và đồng thuận trước (PNPCA) và rằng các tác động xuyên biên giới tới khu vực hạ nguồn là không đáng kể nếu các khuyến nghị về thay đổi thiết kế được áp dụng. Những nhận định này bị cho là sai lệch, thiếu sót, “đánh bóng” cho dự án Xayaburi và đã vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ từ giới khoa học và xã hội dân sự.
Các nhà bình luận cho rằng chính vì dựa trên tư vấn hợp pháp của Pöyry mà Lào và Thái Lan đã tiếp tục triển khai dự án đập Xayaburi trong khi chưa đạt được một thỏa thuận trong khu vực.
“Tập đoàn Pöyry đã thúc đẩy việc triển khai con đập gây tranh cãi Xayaburi, bất chấp những quan ngại từ các quốc gia láng giềng rằng các tác động của dự án chưa được nghiên cứu đầy đủ. Điều này chỉ thể hiện một phần những hành vi phi đạo đức trong xu hướng hoạt động của Tập đoàn này tại nước ngoài. Trong rất nhiều năm, Pöyry đã hoạt động trái với chính sách ngoại giao của chính phủ Phần Lan tại Đông Nam Á”, Otto Bruun, thuộc Quỹ Siemenpuu của Phần Lan – một trong những tổ chức đứng đơn khiếu nại – nhận định.
Trước đó, Pöyry từng bị cáo buộc rằng họ có động cơ mạnh mẽ về kinh tế để kết luận rằng dự án Xayaburi tuân thủ các tiêu chuẩn của MRC. Bởi vì, khi được thuê tư vấn, Pöyry có mối quan hệ kinh doanh gần gũi với nhà đầu tư đập Xayaburi – công ty Ch. Karnchang của Thái Lan. Hai công ty này đã từng bắt tay nhau xây dựng con đập Nam Ngum 2 tại Lào.
Hơn nữa, sau khi công bố báo cáo tuân thủ Hồi tháng 8 năm 2011, Pöyry tiếp tục hoạt động tại dự án Xayaburi với tư cách công trình sư. Điều này hiển nhiên đã dấy lên những nghi ngờ về động cơ của công ty này trong việc cung cấp một quan điểm tích cực về dự án ngay từ đầu.
Sau khi bị khiếu nại, trong một tuyên bố hồi tháng 8/2012, Tập đoàn Pöyry đã bác bỏ mọi cáo buộc và cho rằng: Bên nguyên đơn hoàn toàn có quyền đưa ra một quan điểm khác biệt song các quan ngại được đưa ra thực chất chỉ là “sự bất đồng về mặt khoa học”, điều vốn vẫn phổ biến trong giới khoa học.
Điều đáng nói là dự án Xayaburi chưa phải là bê bối duy nhất mà Pöyry mắc phải gần đây. Tháng 6 năm nay Tập đoàn này đã bị Ngân hàng Thế giới đưa vào danh sách đen các nhà cung cấp vô trách nhiệm vì giả mạo hóa đơn và hối lộ nhân viên của WB.
Bình luận về điều này, Kirk Herbertton, điều phối viên Chương trình Chính sách Đông Nam Á của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế viết: “Mặc dù không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa vụ việc này và vai trò của Pöyry trong dự án Xayaburi, song những bê bối liên tiếp đã chứng tỏ rằng các hệ thống trách nhiệm doanh nghiệp nội bộ của Pöyry , nếu có, đã không hề hoạt động.”
Câu chuyện xảy ra tại đất nước xa xôi Phần Lan một lần nữa lại đặt ra câu hỏi quan trọng cho các nước hạ nguồn Mê Kông, đặc biệt là Lào: Liệu họ có thể dựa vào kết luận của Tập đoàn Pöyry để quyết định số phận cho con đập thủy điện Xayaburi và hơn thế nữa là số phận của hàng chục triệu người dân sống dựa vào dòng sông Mê Kông hay không?
Bạch Dương