ThienNhien.Net – Pháp luật về đất đai sẽ không trình bày chung chung rằng thu hồi đất để phục vụ các “nhiệm vụ an ninh, quốc phòng”, “lợi ích quốc gia”, “phát triển kinh tế, xã hội”… mà sẽ nêu cụ thể các nhiệm vụ đó bao gồm những công trình gì.
Theo Tờ trình của Chính phủ về xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trình bày trước Quốc hội sáng 29/10, quy định nói trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai, khắc phục tình trạng tùy tiện trong thu hồi đất (được quy định tại các Điều 53, 54, 55 và 56 của dự thảo Luật).
Để thực hiện giao đất hoặc cho thuê đất đối với các dự án sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt; tổ chức việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo quỹ đất “sạch”. Hoặc sau khi có đất “sạch”, Nhà nước đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội.
Đối với trường hợp đất đã được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được đưa vào sử dụng trong 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì cơ quan có thẩm quyền chỉ được phép chấp thuận cho phép chậm tiến độ một lần và không quá 12 tháng. Trường hợp không được chấp thuận cho chậm tiến độ hoặc quá thời hạn cho phép được chậm tiến độ nêu trên thì Nhà nước thực hiện thu hồi đất và người có đất bị thu hồi do vi phạm sẽ không được thanh toán tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; giá trị đã đầu tư vào đất còn lại.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết đa số ý kiến đồng tình với quy định trên của Chính phủ.
Một số ý kiến thì đề nghị cân nhắc tính khả thi của việc thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất vì khó có đủ nguồn kinh phí cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dẫn đến chậm thu hồi và đưa vào sử dụng sẽ dẫn đến lãng phí đất đai. Các ý kiến này kiến nghị đất quy hoạch để xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi… thì căn cứ vào tiến độ triển khai dự án, yêu cầu sử dụng đến đâu thu hồi đến đó để tránh lãng phí đất đai.
Dự thảo luật tiếp tục quy định đối với các dự án đầu tư sử dụng đất không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì nhà đầu tư trong nước được nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để có đất thực hiện dự án đầu tư (Điều 58).
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết bên cạnh những ý kiến tán thành còn có ý kiến đề nghị không cho phép nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án, vì phát sinh chênh lệch giá đền bù có thể dẫn đến chuyện so bì và dễ xảy ra khiếu kiện trong nhân dân.
Về ngôn từ của dự luật, có ý kiến đề nghị sử dụng khái niệm “trưng mua quyền sử dụng đất” thay cho “thu hồi đất” vì quyền sử dụng đất là tài sản, khái niệm “thu hồi đất” chỉ dùng đối với trường hợp vi phạm pháp luật đất đai.
Hai phương án quy định giá đất
Chính phủ đưa ra hai phương án cho việc định giá đất. Phương án 1: Chính phủ quy định khung giá đất, giá đất thuộc khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; khi giá đất trên thị trường có biến động 20% so với khung giá đất và giá đất tại khu vực giáp ranh và thời gian tăng, giảm liên tục 180 ngày trở lên thì điều chỉnh cho phù hợp.
Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất, khung giá các loại đất và giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất tại địa phương; khi giá đất thị trường tăng hoặc giảm trên 20% so với bảng giá đất và thời gian tăng hoặc giảm phải liên tục từ 60 ngày trở lên thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp và báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất; trường hợp chưa kịp điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với giá đất thị trường thì UBND cấp tỉnh căn cứ nguyên tắc và phương pháp định giá đất quyết định giá đất cụ thể; bỏ quy định ban hành và công bố bảng giá đất vào ngày 1 tháng 1 hàng năm.
Phương án 2 là tiếp tục duy trì quy định về khung giá đất và bảng giá đất như phương án 1. Khung giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và được công bố vào ngày 01 tháng 01 của năm đầu kỳ. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và được công bố vào ngày 01 tháng 01 của năm đầu kỳ để áp dụng cho 5 trường hợp: (1) tính tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; (2) tính các khoản thuế liên quan đến đất đai; (3) tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; (4) tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; (5) tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai.
UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể (không được thấp hơn giá đất trong bảng giá đất) để áp dụng cho 4 trường hợp: (1) tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; (2) công nhận quyền sử dụng đất đối với tổ chức sử dụng đất mà phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định; (3) tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; (4) tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể (không được thấp hơn giá đất trong bảng giá đất).
Theo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế sau khi tham khảo ý kiến của các Ủy ban của Quốc hội thì các ý kiến vẫn chưa nghiêng hẳn về phương án nào. Một số ý kiến tán thành phương án 1 để bảo đảm công bằng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Một số ý kiến tán thành phương án 2, các trường hợp như giao đất, cho thuê đất không theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thì không áp dụng bảng giá mà thực hiện việc định giá đất cụ thể tại thời điểm thực hiện. UBND cấp tỉnh căn cứ vào nguyên tắc, phương pháp định giá đất, quyết định giá đất cụ thể nhưng không thấp hơn bảng giá đất.
Tăng thời hạn giao đất nông nghiệp lên 50 năm
Chính phủ dự kiến quy định thời hạn giao đất trong hạn mức sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân lên 50 năm thống nhất cho các loại đất nông nghiệp để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đất đai và yên tâm đầu tư sản xuất. Đồng thời quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không vượt quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân. Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp với đặc điểm của từng vùng và từng thời kỳ, tạo điều kiện cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai để hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp.
Ủy ban Kinh tế cho biết, đa số ý kiến của các Ủy ban của Quốc hội tán thành với quy định của Chính phủ về thời hạn giao đất nông nghiệp. Có một số ý kiến đề nghị thực hiện giao đất nông nghiệp không thời hạn; việc quy định thời hạn không có nhiều ý nghĩa và sẽ làm tăng thêm các thủ tục hành chính và chi phí cho việc gia hạn sử dụng đất khi hết thời hạn.
Về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, có ý kiến đồng tình nhưng có ý kiến đề nghị mở rộng không quá 5 lần. Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên hạn mức, nhưng tạo điều kiện cho tích tụ đất đai bằng cách khuyến khích người có nhu cầu sử dụng diện tích lớn thuê lại đất của nông dân. Phần đất vượt hạn mức do thuê lại của nông dân không phải nộp tiền thuê đất hay thuế sử dụng đất cho Nhà nước.
Có ý kiến đề nghị cần khuyến khích tích tụ đất đai thông qua việc hình thành các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Về hạn mức giao đất, có ý kiến đề nghị nâng hạn mức giao đất trồng cây hàng năm lên đến 5 ha.
Một số văn bản liên quan:
Tờ trình về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)