Thiennhien.net – Buôn bán động vật hoang dã là một hình thức mới của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, đòi hỏi phải siết chặt luật pháp hơn nữa để đấu tranh ngăn chặn. Đây là điều đã chính thức được công bố tại Hội nghị về Công ước của Liên hiệp quốc về Phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia mới diễn ra tại Vienna, Áo.
Tại Hội nghị, Cơ quan Phòng chống Tội phạm và Ma túy Liên hợp quốc (UNODC) đã nhấn mạnh các kĩ thuật tinh vi mà các đối tượng buôn bán động vật hoang dã thường sử dụng, cũng như các mối liên hệ giữa tội phạm môi trường và các hình thức tội phạm khác về mức độ bạo lực và tham nhũng.
UNODC khuyến cáo các quốc gia coi loại tội phạm buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã nguy cấp là một loại hình tội phạm nghiêm trọng và cần hành động quyết liệt để chống lại. Theo Công ước này, tội phạm được coi là nghiêm trọng sẽ bị xử ít nhất là bốn năm tù giam.
Nói về điều này, Wendy Elliott thuộc Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF cho biết: “Việc công nhận buôn bán động vật hoang dã trái phép là một hình thức tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các quốc gia trên toàn thế giới.”
Công ước LHQ về Phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia là một hiệp ước quốc tế nhằm chống lại hình thức tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, như tội phạm liên quan đến ma túy và buôn người. Hiện đã có 147 quốc gia là thành viên của Công ước này.
Các chính phủ sẽ tiếp tục thảo luận về vấn nạn buôn bán động vật hoang dã vào tháng 4 tới đây tại cuộc hội thảo của Ủy ban Liên hiệp quốc về Phòng chống Tội phạm và Tư pháp Hình sự, tập trung vào các loại tội phạm tác động tới môi trường.