Thế giới vẫn bất ổn về lương thực

Thiennhien.net – Các báo cáo gần đây cho thấy tỉ lệ đói nghèo trên thế giới vẫn ở mức báo động, an ninh lương thực chưa được đảm bảo, đòi hỏi sự chung tay giải quyết của cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.

Cứ tám người lại có một người thiếu đói

Báo cáo State of Food Insecurity in the World 2012 (Tình trạng bất ổn lương thực thế giới năm 2012) của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) công bố đầu tháng này cho biết thế giới vẫn còn 870 triệu người thiếu đói triền miên kể từ năm 2010 đến nay.

Trong số này có 852 triệu người sinh sống tại các quốc gia đang phát triển và 16 triệu người sinh sống tại các quốc gia phát triển.

Số người thiếu lương thực đã giảm 132 triệu người trong 20 năm từ giai đoạn 1990-1992 đến 2010-2012, hiện chiếm 12,5 % dân số thế giới và tỉ lệ này tại các quốc gia đang phát triển là 14,9%.

Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tỉ lệ thiếu đói đã giảm hơn 30% trong hai thập kỷ qua, từ 739 triệu người xuống còn 563 triệu người nhờ những tiến bộ về kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia trong khu vực. Tuy thế tỉ lệ thiếu đói tại châu lục này vẫn khá cao, ở mức 13,9%.

Ở khu vực Mỹ Latin và Caribe, số người thiếu đói giảm từ 60 triệu người trong 1990-1992 xuống còn 49 triệu người trong giai đoạn 2010-2012.

Châu Phi là khu vực duy nhất mà tỉ lệ thiếu đói tăng cao, từ 175 triệu lên 239 triệu, chỉ riêng 4 năm qua đã có thêm 20 triệu người.

Nhóm các nước phát triển cũng đã giảm số người thiếu lương thực từ 20 triệu trong giai đoạn 1990-1992, xuống còn 13 triệu trong giai đoạn 2004-2006, tuy nhiên con số này lại tăng lên 16 triệu vào năm 2010-2012.

Về cơ bản thì tỷ lệ dân số thiếu đói tại các khu vực đều đã giảm, tuy nhiên số lượng người thiếu đói trong giai đoạn 2010-2012 vẫn còn rất cao, ở mức 870 triệu người. Nghĩa là, cứ tám người trên thế giới lại có một người phải sống trong tình trạng thiếu lương thực triền miên.

Ảnh: Sciencedaily.com

Giá lương thực tăng, người nghèo bị đói

Theo Oxfam, giá lương thực thế giới đang ngày càng gần với mức giá kỉ lục giai đoạn 2008-2009, và cuộc suy thoái kinh tế châu Âu đang gây tổn hại nặng nề đến thu nhập của các quốc gia nghèo, là một trong những nguyên nhân cho sự tồn tại của những con số trên.

Tình trạng giá đẩy tăng lên cao như vậy được lý giải một phần là do nhiều diện tích đất nông nghiệp tại các quốc gia đang phát triển đã bị thu mua và sử dụng vào các mục đích phi nông nghiệp. Trong số đó có một số không nhỏ đất đai được chuyển sang phát triển nhiên liệu sạch, phục vụ ngành công nghiệp năng lượng.

Báo cáo The 2012 Global Hunger Index (Chỉ số đói nghèo toàn cầu 2012) của Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Thế giới (IFPRI) cũng đồng tình với nhận định trên khi cho rằng, sức ép về đất đai, nguồn nước và năng lượng đang đe dọa an ninh lương thực của những người nghèo nhất và yếu thế nhất.

Theo báo cáo này, biến đổi khí hậu làm mở rộng diện tích hoang mạc trên thế giới, gia tăng áp lực về đất đai và nguồn nước trên nhiều khu vực. Hạn hán, lũ lụt xảy ra với mật độ nhiều hơn gây ảnh hưởng đến các vụ mùa.

Thêm nữa, giá năng lượng ngày càng cao khiến cho chi phí nông nghiệp bị đẩy lên, ảnh hưởng đến giá thành phẩm.

Đảm bảo quyền về đất đai và nguồn nước

Báo cáo của FAO cho rằng cần phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả hơn để không chỉ mang lại lợi ích cho dân nghèo, mà còn giúp giảm nạn đói và suy dinh dưỡng trên thế giới.

Mới đây Oxfam đã ra thông cáo kêu gọi các thể chế tài chính lớn như Ngân hàng thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế tạm ngừng đầu tư cho các dự án năng lượng sạch và xem xét lại chính sách đầu tư của mình để đặt ra tiêu chuẩn đầu tư chặt chẽ hơn đối với các dự án này. Đồng thời, các tổ chức này cũng cần phối hợp với các chính phủ để có các biện pháp hỗ trợ người dân nghèo đảm bảo cuộc sống và an ninh lương thực.

Để đối phó với các sức ép về đất đai, nguồn nước và năng lượng, IFPRI cũng khuyến cáo các biện pháp đảm bảo canh tác nông nghiệp hiệu quả như bảo vệ quyền về sử dụng đất đai và nguồn nước của người dân, loại bỏ các trợ cấp không hiệu quả dành cho lĩnh vực nông nghiệp, bảo vệ và sử dụng tài nguyên hiệu quả…

Đó là một số giải pháp cần được thực hiện nghiêm túc để đảm bảo an ninh lương thực và giảm tỉ lệ thiếu đói trên toàn cầu, tiến gần đến các mục tiêu thiên niên kỷ.