ThienNhien.Net – Đây là một trong những nội dung quan trọng nằm trong bản góp ý cho Dự thảo Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) gửi tới Bộ TN&MT theo đề nghị của Bộ này.
Đánh giá về tổng quan Chiến lược, PanNature cho rằng, cơ quan soạn thảo đã có định hướng đưa ra những hành động cụ thể, mang tính đột phá nhằm đảm bảo mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững. Tuy nhiên, phần xây dựng bối cảnh của Chiến lược chưa nêu rõ được tình trạng suy thoái của đa dạng sinh học Việt Nam, chưa thể hiện được sự quan tâm đúng mức đến lĩnh vực ĐDSH và tính cấp thiết của bảo tồn ĐDSH. Phần nội dung này cần được diễn đạt với những cơ sở số liệu, thống kê và luận cứ vững chắc hơn.
Bên cạnh đó, Bản chiến lược cần thể hiện mối liên hệ với các chiến lược liên quan đã ban hành cùng thời kỳ như Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020; Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020; Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020…
Từ những nghiên cứu thực tiễn, PanNature chỉ ra suy thoái đa dạng sinh học trong gần 20 năm qua liên quan mật thiết đến quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang các dự án phục vụ mục tiêu kinh tế – xã hội như giao thông, khai khoáng, thủy điện. Hiện thẩm quyền quyết định việc chuyển đổi này vẫn được trao cho chính quyền địa phương, nơi vẫn đặt ưu tiên cao cho các mục tiêu phát triển kinh tế, coi nhẹ việc bảo tồn ĐDSH.
PanNature kiến nghị, Quy hoạch về ĐDSH chỉ nên được xây dựng thống nhất ở cấp quốc gia, và yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tuân thủ thực hiện; phân cấp việc xây dựng quy hoạch và kế hoạch hành động theo cấp tỉnh và từng ngành là hoàn toàn không khả thi, gây lãng phí và có nguy cơ chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.
Cần đặt ưu tiên thống nhất quản lý về ĐDSH thông qua phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hoặc xây dựng một cơ quan ngang bộ quản lý ĐDSH và hệ thống khu bảo tồn Việt Nam để tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực và xung đột không cần thiết.
Cân nhắc việc đưa các nội dung về “giới hạn an toàn đa dạng sinh học” và lồng ghép định hướng “kinh tế xanh” vào trong Chiến lược.
Đặc biệt, các mục tiêu bảo tồn ĐDSH cần được xác định là yếu tố ưu tiên khi xây dựng các chiến lược, chính sách, quy hoạch các lĩnh vực kinh tế xã hội khác.
Quy hoạch sử dụng đất ở địa phương phải đảm bảo không xung đột và ảnh hưởng đến Quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia.
Góp ý cụ thể về các nhiệm vụ thực hiện mục tiêu Chiến lược, PanNature cho rằng, nên duy trì quan điểm đầu tư cho ĐDSH chủ yếu vẫn từ nguồn ngân sách nhà nước, các cơ chế như chi trả dịch vụ môi trường, bồi hoàn đa dạng sinh học… chỉ là bổ sung. Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư có trọng điểm cho công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học ở cả 3 miền và khu vực Tây Nguyên.
PanNature cũng kiến nghị thực hiện điều tra, đánh giá các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng chưa được quy hoạch trên toàn quốc để đề xuất thành lập các khu bảo tồn mới; bỏ nội dung về xây dựng quy hoạch bảo tồn ĐDSH của các ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bỏ nội dung “thí điểm thiết lập các câu lạc bộ sinh vật hoang dã” và “thúc đẩy xây dựng hương ước bảo tồn Đ DSH ở cấp xã”; không thành lập mới các Vườn thú và Vườn thực vật cấp quốc gia mà thay vào đó cần tăng cường đầu tư, nâng cấp các cơ sở hiện có…