ThienNhien.Net – Ý kiến này được một số đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII đưa ra trong buổi thảo luận ở hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực, diễn ra chiều 23/10.
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, đã có 21 đại biểu đăng ký phát biểu. Đại đa số các ý kiến tán thành Báo cáo, đồng thời thảo luận nhiều vấn đề về chính sách phát triển điện lực, quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực, về giá điện và các loại phí điện lực, hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh.
Vấn đề an ninh môi trường, an toàn của hoạt động điện lực, trong đó có vấn đề an toàn điện hạt nhân, an toàn đập thủy điện sông Tranh 2 và vấn đề đầu tư thủy điện vừa và nhỏ trên phạm vi cả nước được các đại biểu rất quan tâm.
Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho biết, về an ninh điện lực, trong dự thảo Luật sửa đổi mới chỉ đề cập đến tính an toàn của hệ thống điện mà chưa có quy định về an ninh và môi trường điện lực, nhất là khi có sự cố lớn gây thảm họa đất nước như vỡ đập hoặc liên quan đến an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia.
Từ vấn đề an toàn của thủy điện sông Tranh 2, đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) mong đợi có thêm một phần về an toàn đập trong Dự luật. Trong khi đó, đại biểu Y Mửi (Kon Tum) nhấn mạnh đến tác động của một số công trình thủy điện trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, gây bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là các vấn đề về đền bù, giải phóng mặt bằng, ổn định cuộc sống người dân di cư, vấn đề sinh thái ở các địa điểm xây dựng công trình thủy điện. Đại biểu Y Mửi đề nghị Dự thảo luật cần có nội dung quy định rõ trách nhiệm của tập đoàn điện lực, các bộ, ngành liên quan nhằm điều chỉnh những bất cập trên của các công trình thủy điện.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, với số lượng công trình thủy điện vừa và nhỏ phát triển tràn lan trên khắp đất nước, thậm chí không xây dựng trong một không gian cụ thể (tổ máy phát điện ở tỉnh này nhưng nguồn tích điện, tích nước lại ở tỉnh khác) thì khả năng kiểm soát là rất khó. Bởi vậy, “chúng tôi thấy trong bộ luật này chưa đề cập tới thủy điện như một chương riêng đã đành, nhưng ngay trong các chương chung cũng hết sức mờ nhạt” – Đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Về vấn đề tiết kiệm trong sử dụng điện, đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cho biết điểm 1, Điều 16 của Dự thảo có quy định tổ chức, cá nhân sử dụng điện cho sản xuất có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu trong việc tiết kiệm điện, nhưng các quy định này chưa có tính ràng buộc nên hiện nay nhiều cơ sở sản xuất nhập máy móc, thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu dẫn đến điện năng tiêu thụ tối thiểu tốn nhiều so với máy móc thiết bị công nghệ mới. Đại biểu Lâm đề nghị bổ sung quy định mang tính chất bắt buộc các cơ sở sản xuất phải lựa chọn công nghệ có mức tiêu thụ điện năng thấp, không cho nhập các công nghệ cũ tiêu thụ điện năng cao cho các dự án đầu tư mới. Đồng thời quy định lộ trình từng bước loại bỏ các trang thiết bị công nghệ cũ, tiêu thụ nhiều điện năng.
Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trươc khi xin ý kiến thông qua của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII.