ThienNhien.Net – Hoạt động phát triển của con người đang tác động tới tự nhiên, làm gia tăng và trầm trọng thêm các rủi ro thiên tai. Cần đánh giá đúng vai trò của các hệ sinh thái và nghiên cứu sâu hơn về cách thức mà chính các hệ sinh thái có thể giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai là thông điệp từ Báo cáo Rủi ro Thế giới 2012 (The World Risk Report 2012).
Báo cáo do Viện An ninh Con người và Môi trường của Liên hợp quốc (UNU-EHS), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (TNC) và Liên minh Vì hoạt động phát triển của Cộng hoà Đức thực hiện.
Dẫn chứng từ sự suy giảm của các rạn san hô và rừng ngập mặn ở Đông Nam Á, phá rừng gia tăng dẫn đến xói mòn, sạt lở nghiêm trọng ở Pakistan, Báo cáo khẳng định, nếu không có những cải biến trong chính sách phát triển, cộng đồng sống ở các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, vốn đã dễ bị tổn thương sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn.
Theo Báo cáo, nhiều bằng chứng đã cho thấy các hệ sinh thái còn nguyên vẹn có thể giúp giảm đáng kể tác động của thiên tai. Tuy nhiên, đến nay triết lý này vẫn chưa được quan tâm chính đáng ở cả phương diện chính sách và khoa học.
Từ đó, Báo cáo cho rằng cần xác định những khu vực mà ở đó bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái có thể là một giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu rủi ro thiên tai. Như vậy, bảo tồn các hệ sinh thái cần được thực hiện song song với phát triển bền vững để kết nối giảm thiểu rủi ro thiên tai với các mục tiêu môi trường và kinh tế xã hội.
Báo cáo Rủi ro Thế giới 2012 cũng đã cung cấp một bức tranh sinh động cho thấy việc hủy hoại môi trường gia tăng trên quy mô toàn cầu đang đe dọa tới con người và sự tồn vong của nhân loại.
Ngày càng nhiều người khắp nơi trên thế giới phải đối mặt với lũ lụt, hạn hán, động đất và lốc xoáy với hơn 4.000 thảm họa gây thiệt hại hơn 2.000 tỷ USD, khiến hàng triệu nạn nhân tử vong chỉ trong 9 năm từ 2002-2011, trong đó nặng nề nhất là năm 2011.
Báo cáo đã sử dụng 28 chỉ số rủi ro thế giới (WorldRiskIndex) để xếp hạng 173 quốc gia theo mức độ chịu ảnh hưởng của các thảm họa thiên tai. Theo đó, Trung Mỹ, châu Đại Dương, Nam Sahel và Đông Nam Á là những khu vực được đánh giá là có mức độ rủi ro cao nhất.
Trong 15 quốc gia có mức độ rủi ro cao nhất thì có tới 8 nước là các quốc đảo, hầu hết nằm ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Do gần biển, các quốc gia này đặc biệt chịu nhiều tác động từ lũ lụt, lốc xoáy và nước biển dâng. Tuy nhiên, nằm trong vùng nhiệt đới ven biển, các quốc gia này cũng có thể giảm thiểu rủi ro thiên tai từ chính việc bảo tồn những hệ sinh thái ven biển.