ThienNhien.Net – Trung tâm nghiên cứu và quan trắc môi trường nông nghiệp miền Trung-Tây Nguyên (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật canh tác về một số loại cây trồng phù hợp trên đất sau khi khai thác bô-xít Đăk Nông.”
Việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học này nhằm giải quyết vấn đề quan trọng nhất được nhiều người quan tâm là phục hồi môi trường sinh thái và ổn định đời sống lao động cho người dân trên vùng hoàn thổ sau khai thác bô-xít tại Nhân Cơ, huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đăk Nông.
Trong quá trình thực hiện đề tài khoa học, Viện tập trung điều tra đánh giá chất lượng môi trường đất trên vùng khai thác quặng bô-xít và nghiên cứu tình hình kinh tế-xã hội, việc sử dụng cây trồng, vật nuôi và tập quán sản xuất của nhân dân trong vùng dự án tại Nhân Cơ-Đăk Nông. Viện đã tập trung khảo sát đánh giá chất lượng môi trường đất trên địa bàn; đồng thời nghiên cứu sự xói mòn, sạt lở đất vùng dự án khai thác bô-xít.
Từ thực tế nghiên cứu đặc điểm đất bazan thoái hóa bạc màu và biện pháp cải tạo phục hồi độ phì của đất, Viện đã bố trí các thí nghiệm xem xét khả năng sinh trưởng và phát triển của 7 nhóm cây với 14 loại giống cây trồng chủ yếu. Đây là những giống cây trồng thích hợp với điều kiện đất bazan, phù hợp với đặc điểm sinh thái trong vùng, dễ đầu tư chăm bón; trong đó có các nhóm mô hình trồng cây làm thức ăn phục vụ chăn nuôi là loại cỏ sả và cỏ Stylô có đặc điểm phát triển nhanh, dinh dưỡng cao và tăng độ phì cho đất.
Đối với nhóm cây họ đậu được chọn loại cây đậu đen, đậu cô ve lùn; nhóm cây lương thực chọn cây khoai lang và cây ngô. Về nhóm cây công nghiệp, Viện chọn cây ca cao và cây dứa; nhóm cây lâm nghiệp lấy gỗ, làm nguyên liệu giấy chọn loại cây muồng đen và cây xà cừ. Về nhóm cây hương liệu, dược liệu, Viện chọn cây hoa hòe và cây điều nhuộn (cây lấy hạt màu thực phẩm) là những loại cây đã được trồng phân tán ở địa phương.
Trên cơ sở đánh giá diễn biến thời tiết hàng năm, đặc điểm khí hậu chung toàn vùng và phân tích các đặc tính hóa lý của đất, Viện đi sâu nghiên cứu việc sử dụng các loại phân bón phù hợp, nghiên cứu biện pháp kỹ thuật canh tác cho các nhóm cây giống phù hợp trên đất sau khai thác bô-xít.
Viện đã bố trí các nhóm cây trên theo các mô hình trình diễn kỹ thuật canh tác các loại cây theo kiểu trồng thuần, trồng xen ghép cây lâm nghiệp lấy gỗ với cây lương thực, cây họ đậu và các loại cỏ phủ đất. Mỗi mô hình trồng được bố trí diện tích 500m2 đối với các nhóm cây đậu đỗ, cây cỏ, cây lương thực, 3.000 m 2 đối với nhóm cây dược liệu, 5.000m2 đối với cây công nghiệp dài ngày và cây lâm nghiệp trên vùng hoàn thổ sau khi khai thác bô-xít.
Để thực hiện mô hình trồng các loại cây theo các biện pháp kỹ thuật canh tác có hiệu quả, Viện đã xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn kỹ thuật canh tác cho nông dân trong vùng dự án khai thác bô-xít Nhân Cơ-Đăk Nông.