ThienNhien.Net – Xã Lộc Châu (thành phố Bảo Lộc) xưa nay được biết tới là vùng trồng chè có tiếng của tỉnh Lâm Đồng. Nhưng nhiều nương chè xanh mướt nối dài mênh mông trước kia giờ đây đang phải nhường chỗ cho các khu khai thác mỏ cao lanh. Bụi mù trời, đường giao thông tan nát, núi đồi bị cày xới nham nhở… Người dân Lộc Châu đã và đang ngày đâm gánh chịu nỗi khổ từ cao lanh.
Đường nát vì cao lanh
Đường Lê Thị Riêng vốn nối quốc lộ 20 với những hộ dân của các thôn 2, thôn 3, thôn 4 xã Lộc Châu nhưng gần chục năm nay có thêm vai trò là con đường vận chuyển cao lanh.
Theo phản ánh, mỗi ngày con đường này hứng hàng chục xe tải hạng nặng tới lui trong mỏ chở cao lanh. Đội xe này chạy suốt đêm, gây hư hỏng nặng tuyến đường dân sinh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của mấy chục hộ dân sống dọc hai bên đường.
Con đường đất đã bị băm nát vụn dưới bánh xe. Từ ngày xe chạy nhiều, cứ mùa mưa là con đường biến thành vũng sình lầy trơn trượt, còn mùa khô thì bụi mù mịt. Các công ty cũng có góp kinh phí sửa đường nhưng chỉ theo kiểu đối phó, chưa sửa xong đoạn này thì đoạn khác đã hỏng.
Ông Hoàng Kim Ngọc (người dân thôn 2) cho biết do đường xấu, lại chạy trong đêm nên thỉnh thoảng lại có xe chở cao lanh lao vào nhà dân. Ví như hai hộ Nguyễn Đức Bàn và Lưu Văn Hộ (cùng ở thôn 4) đã bị xe chở cao lanh húc sập cổng rào, đường dẫn vào nhà. Gần đây nhất, rạng sáng 01/08, chiếc xe tải chở khoảng 50 tấn cao lanh của Công ty Động Lực đã đâm thẳng vào nhà ông Chu Quang Vinh (đầu đường Lê Thị Riêng) khiến vợ chồng ông Vinh bị thương, phải đưa đi cấp cứu. Toàn bộ căn nhà và tài sản trong nhà hư hỏng nặng.
Người dân Lộc Châu vì bức xúc đã nhiều lần chặn không cho xe chở cao lanh chạy qua.
Đồi bị phạt ngang, suối bị đầu độc” vì cao lanh
Dọc hai bên đường Lê Thị Riêng, ngoài màu xanh của những nương chè, màu đỏ của những nương cà phê đang vào vụ chín là màu trắng của những bãi cao lanh chất cao hàng chục mét.
Chỉ cần đi cách con đường chừng 100 – 200 mét là dễ dàng nhìn thấy cảnh những chiếc máy xúc cần mẫn múc cao lanh lên thùng xe chở khỏi khai trường. Để tiện đường chuyên chở, có doanh nghiệp còn xẻ cả núi đồi thành đường cho xe tải. Có chỗ cả quả đồi bị bạt ngang, khoét xuống sâu hoắm. Từ trên cao nhìn xuống, những khai trường trông không khác nào những vết thương lở lói. Quả thật không biết đến bao giờ, những vết thương đó mới lành, màu xanh mới trở lại.
Phó chủ tịch UBND xã Lộc Châu Vũ Văn Vân cho biết, ngay từ đầu xã đã phản đối việc khai thác cao lanh trên địa bàn vì “tài nguyên thì mất mà dân không được lợi gì. Ngay cả hy vọng tạo thêm công ăn việc làm cho dân cũng không như mong muốn vì các công ty chủ yếu khai thô rồi chuyển đi chứ không xây dựng nhà máy chế biến ở địa phương.”
Ông Vân cũng cho biết, lượng đất đá, bùn đỏ từ các điểm mỏ khai thác cao lanh hoạt động suốt một thời gian dài đã theo nước mưa tràn xuống vùi lấp nhiều diện tích chè, cà phê. Có những hộ, chỉ sau một đêm mưa là cả nương chè bị bùn phủ kín, công sức nhiều năm mất trắng. Lượng bùn đất do doanh nghiệp gạt bỏ lớp đất mặt để khai thác còn làm ô nhiễm nhiều con suối trong vùng, dòng nước trong xanh xưa kia giờ đỏ quạch, đục ngầu, khiến người dân mất nguồn nước tưới.
Con số thống kê sơ bộ của xã cho thấy hơn 50 ha chè, cà phê của người dân bị thiệt hại bởi hoạt động khai thác cao lanh vô tội vạ. Dân nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi xã, xã cũng nhiều lần phản ánh lên thành phố, lên tỉnh nhưng đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Khó phục hồi môi trường sau khai thác
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Phòng Tài nguyên & Môi trường thành phố Bảo Lộc cho rằng việc các mỏ cao lanh ở Lộc Châu đang gây ô nhiễm môi trường là có. Nhưng đáng nói hơn là việc hoàn thổ các diện tích khai thác diễn ra rất chậm chạp. Thậm chí, có chỗ vẫn chưa có một động thái nào nhằm trả lại khả năng canh tác, dù chỉ một phần. Đa số diện tích từng bị đào bới, đều rơi vào tình cảnh hoang hoá, thậm chí, cỏ cũng không thể mọc.
Nhiều gia đình vì cái lợi trước mắt cũng đã bán nương rẫy cho các doanh nghiệp, chủ mỏ, để rồi nay ruộng nương thành thùng vũng, ít nhất cũng bị bóc đi tầng đất canh tác không thể hồi phục.
Còn theo ông Lương Văn Ngự, Giám đốc quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Lâm Đồng, hầu hết các mỏ khai thác cao lanh ở Lộc Châu đều thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và ký quỹ môi trường trước khi khai thác. Nhưng việc giám sát ô nhiễm và xử lý ở các mỏ còn nhiều khó khăn. Tỉnh Lâm Đồng hiện không cấp thêm giấy phép mới, trừ những dự án làm ĐTM một cách nghiêm túc, nhưng giấy phép khai thác của hầu hết các mỏ đều còn hiệu lực.
Ông Ngự cũng thừa nhận trong tương lai không xa, khi nhiều mỏ chấm dứt khai thác thì việc hoàn thổ phục hồi môi trường không dễ: “Các mỏ này đều không lớn lắm, khai thác theo công nghệ lạc hậu, chỉ có đào thẳng xuống múc cao lanh lên, đất mặt trôi hết rồi, muốn phục hồi cũng không có gì lấp vào. Lực lượng của ngành mỏng nên xử lý không xuể, để giảm ô nhiễm rất cần đến ý thức của các doanh nghiệp”.
Tuy nhiên qua những gì đang diễn ra ở Lộc Châu thì thấy trông mong vào ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp quả thật là điều xa xỉ!
Theo số liệu của Sở Tài nguyên & Môi trường Lâm Đồng, diện tích cao lanh được cấp phép khai thác ở Bảo Lộc là 70ha, trữ lượng hơn 5 triệu tấn, công suất khai thác khoảng 174.000 tấn/năm. Trên địa bàn xã Lộc Châu có 5 đơn vị được cấp phép khai thác cao lanh, nhưng trong thực tế có cả chục điểm mỏ đang ngày đêm khai thác trái phép. Sau khi báo chí lên tiếng, vừa qua, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ TN&MT cùng tỉnh Lâm Đồng làm rõ việc khai thác cao lanh trái phép ở Lộc Châu để có biện pháp xử lý. |