ThienNhien.Net – Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Khau Ca, Hà Giang với diện tích khiêm tốn hơn 2.000 ha nhưng không chỉ là nơi bảo tồn loài Voọc mũi hếch quý hiếm mà còn có nhiều loài cây loài hoa vừa hiếm quí, vừa đẹp lạ thường.
Bắt đầu từ các dông núi cao từ 1.100m trở lên, ta có thể bắt gặp quần thể loài Thiết sam núi đá (Tsuga chinensis) – loài cây được xếp vào danh sách loài Sắp nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam – với nhiều quả Thiết sam nhỏ treo úp xuống như những chiếc đèn lồng xinh xắn. Khau Ca là một trong nhưng nơi hiếm hoi có Thiết sam núi đá mọc ở độ cao thấp như vậy, do đó các cá thể Thiết sam ở đây có kích thước và dạng tán lá tương đối khác so với những khu vực phân bố khác của loài.
Dưới tán của rừng Thiết sam đôi chỗ có thể bắt gặp những cây Thông đỏ (Taxus chinensis) hay còn gọi là Hồng đậu sam. Khác với các loài Thông thông thường Thông đỏ ra nón quả mọng, có phần thịt đỏ bao quanh hạt. Tuy chưa thấy cây ở Khau Ca có nón quả nhưng việc hiện diện của các cây con tái sinh chứng tỏ quần thể Thông đỏ trong khu vực này còn khả năng sinh sản và tái sinh tốt.
Một số dông núi khác cao hơn ở Khau Ca cùng với Thiết sam có thể gặp loài Thông Pà Cò (Pinus kwangtungensis) – một trong những loài thông có cụm 5 lá kim đẹp của Việt Nam. Thông Pà Cò thường tạo tán, tạo thế một cách tự nhiên trong rất hùng vĩ, mọc vượt lên những cây khác trên đỉnh núi mây mù bao phủ. Vẻ đẹp trầm hùng của Thông Pà Cò đã đi vào trong những bức tranh thủy mặc và thơ văn từ ngàn xưa. Ngoài ra ta cũng có thể bắt gặp nhiều loài lan Hài độc đáo và đặc sắc của miền Bắc trên mặt đất, khe đá nơi các dông núi ở Khau Ca như loài Hài ngọc nữ (Paphiopedilum micranthum) hoa màu hồng, nở vào tháng 1-2, Hài henry (P. henryanum) hoa tím, có cánh lưng nhiều đốm nhỏ sặc sỡ, hoa nở tháng 10-11. Đặc biệt, ở đây còn xuất hiện loài Hài tía (P. purpuratum), chưa từng được ghi nhận sự có mặt của loài ở Hà Giang. Ở Khau Ca loài Hài này nở hoa tháng 8-9, với những bông hoa lớn có cánh hài màu đỏ tím.
Quí hiếm không kém gì các loài lan Hài là những loài cỏ nhung hay Kim tuyến (Anoectochilus spp). Với những vân nhỏ mảnh trên nền lá màu nhung những cây Kim tuyến có nét đẹp độc đáo và cuốn hút. Không những vậy kim tuyến còn là một cây thuốc có giá trị cao, tác dụng bổ dưỡng như nấm Linh chi rừng.
Ven chân núi, khe suối ở Khau Ca còn gặp những đám Thu hải đường (Begonia spp) với những chùm hoa trắng, hồng nhạt vươn lên, làm cho cảnh sắc những nơi này chợt bừng sáng. Tính sơ bộ thì ở đây có ít nhất 5 loài Thu hải đường khác nhau, cây to cây nhỏ, lá tròn lá dài, thân bò thân đứng khác nhau.
Một khu rừng bảo tồn còn khá nguyên sơ như Khau Ca có lẽ vẫn còn ẩn chứa biết bao nhiêu loài kỳ lan dị thảo khác đang chờ được khám phá.