ThienNhien.Net – Nhà máy thép Việt Pháp (Cụm Công nghiệp Dịch vụ Thương Tín 1, xã Điện Nam Đông, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) tiếp tục phải ngừng sản xuất đến khi hoàn thành báo cáo tác động môi trường và có xác nhận của cơ quan môi trường là đã đạt tiêu chuẩn.
Kết luận này được ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đưa ra tại buổi làm việc với huyện Điện Bàn và các ban ngành chức năng về tình hình ô nhiễm kéo dài tại Nhà máy thép Việt Pháp trong thời gian qua khiến nhiều người dân địa phương bức xúc.
Nhà máy bắt đầu chạy thử nghiệm từ tháng 09/2011 nhưng nhiều lần bị người dân bao vây, ngăn chặn sản xuất vì gây ô nhiễm môi trường.
Theo phản ánh của người dân địa phương, lượng bụi và nước thải từ nhà máy thải ra đã làm chết nhiều diện tích hoa màu và cá nuôi. Đặc biệt, trong thời gian nhà máy hoạt động (từ 8h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau), khói bụi bay mù mịt, mùi khét lẹt kèm theo nhiều tiếng động lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân, thậm chí đi ngủ cũng phải… bịt khẩu trang.
Lãnh đạo nhà máy thép Việt Pháp đã đưa ra các chỉ số quan trắc môi trường để chứng minh cho kết luận nhà máy đủ điều kiện sản xuất. Tuy nhiên người dân địa phương vẫn cho rằng: thời điểm cơ quan chức năng lấy mẫu phân tích, Nhà máy không hoạt động nên mẫu cơ bản đạt chất lượng là điều đương nhiên.
Phát biểu trên báo Tiền Phong ngày 11/10, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn cũng khẳng định, nhà máy có dấu hiệu vi phạm pháp luật vì đăng ký xử lý môi trường bằng công nghệ túi lọc nhưng khi vào vận hành lại là công nghệ phun sương. Và khi công nghệ này chưa được cơ quan chức năng xác nhận cấp giấy phép, nhà máy đã sản xuất thử rồi sản xuất chính thức.
Theo ông Dương Chí Công – Giám đốc Sở TN&MT, hiện doanh nghiệp đã trình công nghệ xử lý mới là công nghệ phun sương nhưng Sở cũng lúng túng không biết công nghệ cũ và công nghệ mới cái nào tốt hơn. Ông đề nghị tỉnh lập một hội đồng thẩm định xem công nghệ nào đạt để phê duyệt cho doanh nghiệp thực hiện.
Tổng kết cuộc họp, ông Đinh Văn Thu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định mong muốn “doanh nghiệp và dân cùng bắt tay nhau hợp tác”, không muốn bên nào phải di dời. “Thực tế, trong thời gian hoạt động thử mà nhà máy vẫn ký kết hợp đồng kinh doanh là bình thường vì dù hoạt động thử, nhà máy vẫn tạo ra sản phẩm. Tiếp tục tạm dừng sản xuất đến khi nhà máy hoàn thành báo cáo tác động môi trường và có xác nhận của cơ quan môi trường là đã đạt tiêu chuẩn. Phải thành lập một hội đồng thẩm định về công nghệ xử lý tác động môi trường và giám sát kết quả” – ông Thu nhấn mạnh.