ThienNhien.Net – Ngày 10/10, tại Hà Nội, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tham vấn kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực sông Mê Kông”.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã phân tích 7 ưu tiên phát triển lưu vực và 5 ưu tiên quản lý nhằm tìm ra những giải pháp cụ thể để tận dụng tối đa cơ hội và giảm bớt hậu quả có thể xảy ra.
Theo ông Nguyễn Hồng Toàn, chuyên gia Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long ở cuối hạ lưu sông Mê Kông nên sẽ chịu tất cả các tác động do tự nhiên và tác động của phát triển thượng nguồn, như việc xây dựng các công trình thủy điện hoặc việc chuyển nước với quy mô lớn tại Thái Lan và Campuchia. Do đó, cần có sự theo dõi, giám sát tác động để phối hợp với các nước có liên quan, xây dựng phương án giảm thiếu tác hại tới môi trường, kinh tế, xã hội cũng như những hệ lụy của chúng đối với sinh kế của người dân.
Mục tiêu lâu dài của Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực sông Mê Kông dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước là tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên nước tại đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.
Báo cáo của Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam nêu rõ, trên lãnh thổ Việt Nam có hai tiểu vùng thuộc lưu vực sông Mê Kông đã được xác định trong Chương trình kế hoạch phát triển lưu vực, đó là tiểu vùng 10V (đồng bằng sông Cửu Long và tiểu vùng 7V (lưu vực sông Sê San và Sêrêpok).
Cả hai tiểu vùng đều có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và an ninh chính trị của đất nước, đồng thời thúc đẩy hợp tác với các quốc gia khác trong Ủy hội sông Mê Kông. Mỗi tiểu vùng có đặc trưng địa lý thủy văn và điều kiện phát triển kinh tế-xã hội khác nhau.
Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã đề xuất các lĩnh vực cần quan tâm và dự án ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như các lĩnh vực cần quan tâm và dự án ở Tây Nguyên, nằm trong Kế hoạch hành động quốc gia với những mục tiêu.