ThienNhien.Net – Sau những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị về Công ước Đa dạng Sinh học Liên hiệp quốc (UNCBD) hai năm trước tại Nagoya, Hội nghị đang diễn ra tuần này tại Hyderabad, Ấn Độ được hy vọng sẽ xúc tiến việc thực thi các mục tiêu để những lời hứa tại Nagoya không chỉ là hứa suông.
Có nhiều vấn đề quan trọng mà hội nghị này cần đưa ra quyết định. Bà Jayanthi Natarajan, Bộ trưởng Bộ Môi trường Ấn Độ, cho biết một số ưu tiên hàng đầu của Hội nghị là triển khai 20 mục tiêu Aichi đã được thông qua tại Nhật Bản hai năm trước bao gồm giảm một nửa tốc độ mất môi trường sống tự nhiên vào năm 2020, cải thiện tình trạng bảo tồn các loài bị đe dọa tuyệt chủng tính tới mốc này và huy động các nguồn tài chính để thực thi kế hoạch chiến lược cho đa dạng sinh học.
Một vấn đề gây tranh cãi nhất trong các vòng đàm phán của UNCBD trong hai thập niên gần đây là tiếp cận và chia sẻ lợi ích (ABS) giữa các công ty dược, mỹ phẩm và cộng đồng địa phương nắm giữ các tri thức truyền thống và đang bảo vệ các loài động thực vật được sử dụng làm nguyên liệu cho ngành này. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng vấn đề này sẽ được nhanh chóng thống nhất, các nhà đàm phán của Ấn Độ từ vài tháng trước đã tuyên bố rằng các cuộc thương lượng về ABS sẽ được lùi lại đến năm 2013 hoặc xa hơn nữa.
Bảo vệ đa dạng sinh học tại các vùng nước quốc tế
Một vấn đề có thể dẫn tới tranh cãi tại Hội nghị lần này là bảo tồn đa dạng sinh học tại các vùng nước quốc tế. Với chủ đề đa dạng sinh học biển và ven biển, Hội nghị lần này sẽ không thể né tránh giải quyết vấn đề từ lâu đã bị bỏ qua này.
Vấn đề không phải ở chỗ các chính phủ phản đối bảo vệ đa dạng sinh học tại các vùng biển mà nằm ở chỗ ai sẽ xúc tiến hoạt động bảo vệ này và nó sẽ được thực thi ra sao? Điều này sẽ có ý nghĩa như thế nào với những yêu sách về chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là với những vùng nước đang tranh chấp?
Đây là câu hỏi vẫn chưa có lời đáp trong khi sự tuyệt chủng của các sinh vật biển đang trầm trọng thêm mỗi ngày.
Các nước phát triển phải cung cấp tài chính cho bảo tồn
Bạn muốn một thế giới xanh hơn? Hãy mở hầu bao. Đó là thông điệp mà chính phủ Ấn Độ đưa ra với tư cách là nước chủ nhà đăng cai Hội nghị UNCBD lần này.
Tài chính đã trở thành vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết kể từ khi các viện nghiên cứu, sau đó là các NGO và chính phủ các nước phát triển bắt đầu tuyên bố rằng nếu thế giới muốn họ bảo vệ rừng, tài chính phải được chi trả bởi vì cả thế giới sẽ được hưởng lợi từ bảo tồn trong khi chi phí lợi ích của việc không biến rừng thành nhà máy chẳng hạn thì chỉ có cộng đồng và chính quyền địa phương phải gánh chịu.
Định nghĩa chi trả dịch vụ hệ sinh thái đã được các viện nghiên cứu thiết lập, được các tổ chức Liên hiệp quốc và NGO hỗ trợ, tuy nhiên hiện vẫn chưa được bất cứ bộ tài chính của quốc gia nào áp dụng.
Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ cho biết, bà hy vọng vào những tiến triển ít nhất là ở bình diện quốc tế của khái niệm này. Có nghĩa là các quốc gia phát triển sẽ phải chi trả nhiều hơn cho các quốc gia đang phát triển để bảo vệ động thực vật. Bà đã đề cập vấn đề này tại một cuộc họp gần đây với những người đồng nhiệm tại các quốc gia Đông Nam Á và một nghị quyết đã được thông qua “nhấn mạnh rằng các nước phát triển phải chịu trách nhiệm trước tiên trong việc cung cấp các nguồn lực thích hợp cho việc triển khai các mục tiêu đa dạng sinh học”.
Tại Hội nghị Hyderabad lần này có vẻ như yêu cầu tương tự cũng sẽ được tất cả các nước đang phát triển thúc đẩy. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình kinh tế hiện tại ở hầu hết các nước phát triển, thì cơ hội cho một cam kết tài chính quan trọng là rất hạn hẹp.
Trong khi đó, một số ước tính gần đây cho thấy, chi phí cần để đáp ứng 20 mục tiêu Aichi là khoảng 2 đến 4,8 ngàn tỷ USD. Con số này sẽ được nhóm công tác của Ấn Độ và Anh chính thức đưa ra tại Hội nghị Hyderabad lần này.
Tuy nhiên, dù con số này là bao nhiêu chăng nữa, thì có vẻ như nó vẫn là “ác mộng” đối với chính phủ các nước phát triển.
Nagoya đến nay vẫn chỉ là lời hứa hão
Một trong những trở ngại chính của các vòng đàm phán UNCBD là Mỹ chỉ tham gia với tư cách quan sát viên vì nước này từ chối phê chuẩn Công ước Đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, các quốc gia đã phê chuẩn Công ước đến nay cũng bị chỉ trích vì chưa thực thi các cam kết tại Nagoya.
Trước thềm hội nghị, một số tổ chức bảo tồn đã đưa ra lời kêu gọi các chính phủ biến những lời hứa tại Japan hai năm trước thành hiện thực và hành động để ngăn chặn sự biến mất của các loài động thực vật và bảo vệ tài nguyên vô giá của Trái đất.
Theo Giám đốc WWF Quốc tế Lasse Gustavsson, các cam kết đạt được tại Nagoya thực sự có sức mạnh để ngăn chặn sự suy giảm nhanh chóng của đa dạng sinh học trên toàn cầu và giải quyết được các nguyên do chính dẫn đến tình trạng tự nhiên bị tàn phá. Song điều các chính phủ cần làm hiện nay là chứng minh được rằng Nagoya không chỉ là diễn đàn cho những lời hứa hão.
Còn tổng thư ký UNCBD Brulio Ferrreir de Suza Diax lại lưu ý rằng trong khi tài chính cần có để bảo tồn có thể là rất lớn nhưng chỉ tính riêng những tổn thất từ phá rừng đã lên tới 2 ngàn tỷ USD/năm. Chính vì thế “chúng ta cần thảo luận về đa dạng sinh học không phải như một vấn đề mà như một giải pháp cho những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt”.
Tuy nhiên, vấn đề là liệu điều này có được lắng nghe.