ThienNhien.Net – Việt Nam chỉ có hai loài gấu, gấu ngựa và gấu chó. Điều tra đa dạng sinh học từ hàng thập kỷ qua, người ta không thể đưa ra một con số tương đối chuẩn rằng gấu còn lại bao nhiêu trong các khu rừng hay trả lời câu hỏi nếu số gấu sống sót trong tự nhiên ngày nay được tính bằng con số hàng trăm, hay thậm chí hàng chục thì liệu có quá lạc quan hay không? Nhưng, có một điều mà nhiều người đều biết, rằng kiểm lâm và các tổ chức bảo tồn quốc tế đã từng bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc để gắn chíp và quản lý hơn 4.000 con gấu bị nuôi nhốt chật cứng trong các chuồng trại tư nhân trong suốt 7 năm qua….
Những điều nói trên có mối liên hệ gì với bản thông cáo thống thiết dài dằng dặc của Tổ chức động vật châu Á được gửi đi rộng khắp vừa mới đây? Nói ngắn gọn, đó là một thông điệp kêu cứu của một dự án cứu hộ gấu.
Những hy vọng về ngôi nhà thứ hai dành cho gấu
Ở Việt Nam, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã đếm chưa đủ đầu ngón tay nên nói đến Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo ai cũng biết. Trung tâm được xây dựng trong khuôn khổ dự án hợp tác quốc tế do đích thân Thủ tướng Chính phủ đồng ý và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận và triển khai, với khoản viện trợ không hoàn lại chỉ tính riêng giai đoạn 2 trị giá 3.037.000 USD từ Tổ chức động vật châu Á.
Với một diện tích 12ha, dù chưa phải lớn, song cũng đủ để đặt một cơ sở cứu hộ và chăm sóc bán hoang dã trước khi gấu có cơ hội được thả về tự nhiên. Có nhiều lý do để người ta kỳ vọng vào Trung tâm cứu hộ này. Đó sẽ là nguồn cứu cánh kịp thời cho công tác cứu hộ động vật hoang dã trong bối cảnh ngân sách nhà nước rót cho hạng mục này cực kỳ nhỏ giọt. Nhìn lại các trung tâm cứu hộ hiện nay, phần nhiều được khởi xướng và duy trì nhờ nguồn hỗ trợ từ bên ngoài.
Thực tế những năm qua cho thấy cơ quan chức năng thực sự còn nhiều khó khăn trong quản lý gấu nuôi nhốt, họ còn loay hoay trong xử lý từ những vụ việc nhỏ lẻ tiếp nhận gấu do người dân tự nguyện giao nộp cho tới việc ra một quyết định dứt khoát tịch thu gần trăm cá thể gấu nuôi nhốt cho dù chúng không được đăng ký và gắn chíp mà chiểu theo quy định pháp luật như vậy là rõ ràng bất hợp pháp. Hay nói rộng hơn, người ta chưa thể phân định sẽ đối xử và quản lý ra sao với hàng hàng nghìn cá thể gấu nuôi nhốt đã được gắn chíp trên cả nước mà theo cách hiểu hiện nay, chủ trại chỉ là người nuôi giữ, còn quyền sở hữu gấu thuộc về nhà nước.
Sau khi chương trình gắn chíp cho gấu được xúc tiến kể từ giữa năm 2005, cơ quan chức năng công bố hơn 4.300 cá thể gấu được gắn chíp trên cả nước. Vậy mà, trong lễ phát động “Ngày Gấu Việt Nam” 13/9 vừa qua, số lượng gấu gắn chíp mà ngành kiểm lâm ghi nhận được còn lại vẻn vẹn hơn 2.300 cá thể. Bất kỳ ai cũng muốn bật ra câu hỏi: 2000 cá thể gấu đã đi đâu, liệu trong hồ sơ có ghi nhận đầy đủ chúng đã chết đi hoặc biến mất như thế nào? Chúng chết vì bệnh tật, già yếu hay vì lý do nào khác nữa?
Những băn khoăn này chưa hề được cơ quan chức năng giải thích. Nhưng cũng không thể chờ đến khi có một lời giải thích hợp lý nào đó, bởi e rằng tới lúc đó số gấu trên thực tế đã sụt giảm tệ hại hơn.
Gấu nuôi nhốt theo quy định pháp luật không được khai thác lấy mật, giết thịt và kinh doanh khiến nhiều chủ trại lâm vào hai trạng thái, hoặc cố lách luật kiếm tiền chui, hoặc chán nản, bỏ mặc gấu đói kém bệnh tật, phó thác lại cho nhà chức trách.
Đã từng có những đề xuất quyết liệt cho tiêu hủy nhân đạo gấu nuôi để chấm dứt những vi phạm hiện hữu về quản lý gấu, thấy mà không xử được, và cũng để đối xử một cách nhân đạo nhất đối với những cá thể gấu đang bị nuôi nhốt như tra tấn trong các chuồng cũi chật hẹp, mất vệ sinh mà cơ quan chức năng không thể can thiệp, cứu hộ và thả chúng về môi trường sống. Dĩ nhiên, những đề xuất dễ gây sốc như vậy thường nhanh chóng bị gạt đi.
Trong bối cảnh ấy, việc xây dựng một Trung tâm cứu hộ gấu như ở Tam Đảo càng trở nên cấp thiết và cần được khẩn trương xúc tiến. Thế nhưng, đùng một cái, dự án bị ngưng, mà cụ thể là người ta đình chỉ các hoạt động xây dựng ngay trong khuôn viên dự án đã giao cho Ban quản lý Trung tâm cứu hộ gấu.
Quá nhiều nghi ngại
An ninh quốc phòng – dĩ nhiên, đó là lĩnh vực mà không chỉ Trung tâm cứu hộ gấu mà bất cứ cơ sở, ngành nghề dân sự nào khác cũng phải thoái lui để ưu tiên. Nhưng cái điều khiến nhiều người băn khoăn là vì sao khi xây dựng dự án, đề xuất, phê duyệt và cả trong suốt mấy năm triển khai dự án, chẳng thấy ai đoái hoài hay cảnh báo gì về đe dọa an ninh quốc phòng. Nay, khi dự án gặp vướng mắc vì vấn đề nảy sinh trong nội bộ, lý do này mới được bung ra. Liệu đó có phải là cái dù bị bất ngờ bật chốt an toàn?
Đưa tin về kết quả cuộc họp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, diễn ra ngày 5/10 vừa qua liên quan đến dự án Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo, báo Sài gòn giải phóng cho biết Bộ NN-PTNT đã thống nhất với đề nghị của Bộ Quốc phòng dừng xây mới các công trình của dự án.
Bản thông cáo đề ngày 10/10/2012 của Tổ chức động vật châu Á cũng cho biết họ đã được thông báo về quyết định trên, như vậy, họ sẽ phải dừng toàn bộ hoạt động xây dựng của dự án Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam và di dời 104 cá thể gấu đang được cứu hộ tại Trung tâm ra khỏi diện tích dự án được giao trước đây (khu vực thung lũng Chắt Dậu).
Bàn tay đạo diễn?
Không ít tổ chức và chuyên gia trong và ngoài lĩnh vực bảo tồn tỏ ra bức xúc trước việc dự án Trung tâm cứu hộ gấu ở Tam Đảo bị can thiệp thô bạo. Tiếc cho một dự án cứu hộ đầy ý nghĩa nhân văn và giá trị bảo tồn đã đủ, lại thêm phẫn nộ về sự khuấy đảo của một bàn tay hữu hình. Đáng tiếc, nhân vật bị soi xét và phê phán nhất, không ai khác, lại chính là người đồng chủ dự án về phía Việt Nam, ông giám đốc Vườn quốc gia Tam Đảo.
Theo điều tra và mô tả của hàng loạt báo chí trung ương, ông chủ dự án này khi trước là người đã rất nỗ lực xây dự án nhưng sau này cũng lại chính là nhân vật tích cực “đạp đổ” dự án cho kỳ được. Sự đổi thay của ông gắn với một tiến trình du nhập một dự án đầu tư kinh doanh lớn vào Tam Đảo, mà trong đó lợi ích đổ về túi cá nhân trong đó có ông, hứa hẹn không hề nhỏ.
Cho dù quyết định dừng việc triển khai Trung tâm cứu hộ gấu ở Tam Đảo sẽ còn tiếp tục được báo cáo lên cấp điều hành cao nhất, nhưng liệu còn cơ hội nào để câu chuyện có thể đảo chiều để đi đến một hồi kết có hậu?
Người ta cũng hứa hẹn sẽ tiếp tục bàn bạc về dự án Trung tâm Cứu hộ gấu và tìm một vị trí ở đâu đó khác phù hợp hơn cho dự án, nhưng đâu có dễ vậy. Ngoài vấn đề tiền nong cả triệu đô la đã đổ vào không thể lấy lại để tiếp tục đầu tư, ngoài những khó khăn mà cả dự án phải đối mặt trong tương lai, liệu ai sẽ tiếp tục tin một khi niềm tin của họ đã bị vùi dập?
Đáng xót xa lắm cho những tâm huyết và nỗ lực bảo tồn đã bị gạt bỏ không thương tiếc!