ThienNhien.Net –Việc biến hệ sinh thái thành hàng hóa sẽ tước đi quyền sử hữu tài nguyên thiên nhiên của người dân – Đó là nhận định của bà Barbara Unmüßig, đồng chủ tịch Quỹ Heinrich Böll và là một trong những tác giả của cuốn sách “Critique of the Green Economy” (Phê bình Nền kinh tế xanh) mới xuất bản. Trong cuộc trả lời phỏng vấn dưới đây với ChinaDialogue, bà sẽ giải thích rõ hơn về quan điểm này.
PV: Trong cuốn sách Critique of the Green Economy mới xuất bản, quan điểm của bà liệu có liên quan đến các dự án xanh đang được chú ý đến trong những năm gần đây?
Barbara Unmüßig: Phê bình của chúng tôi không nhắm đến các dự án xanh, mà hướng đến vô số các định nghĩa về nền kinh tế xanh được UNEP, OECD và gần đây nhất là Ngân hàng thế giới đề xuất. Nó thể hiện niềm tin sâu sắc của tôi rằng chúng ta đang cần một nền kinh tế xanh hơn, hay nói đúng hơn là một nền kinh tế sinh thái hơn. Trong cuốn sách này, chúng tôi cố gắng trả lời câu hỏi rằng nền kinh tế ấy có thể mang diện mạo ra sao. Liệu đó có phải là một sự chuyển đổi mô hình? Liệu chúng ta có thể giới hạn lại quy mô các hoạt động kinh tế hay chỉ cần “xanh hóa” tất cả các cấu trúc hiện có?
Đó chính là tâm điểm của cuộc tranh luận. Tôi thì vẫn cho rằng vì tài nguyên là có hạn và với các thách thức sinh thái mà chúng ta đang phải đối mặt, chúng ta cần cân nhắc lại nền tảng của nền kinh tế. Về mặt này thì tôi nghĩ các kế hoạch hiện có hướng tới một nền kinh tế xanh vẫn đi chưa đủ xa.
PV: Trong một bài phát biểu mới đây bà đã dùng thuật ngữ “tăng trưởng hòa bình”. Liệu đây có phải một ám chỉ sự chống lại chủ nghĩa tư bản và sự bền vững?
Barbara Unmüßig: Tăng trưởng hòa bình chắc chắn không có nghĩa là sự cáo chung của chủ nghĩa tư bản. Chúng tôi biết rằng tăng trưởng đã là thuộc tính cố hữu của tư bản và đó là cách mà nó vận hành. Đó là một quy luật. Tư bản phải tạo ra lợi nhuận và điều này nghĩa là nơi nào có đầu tư nơi đó phải tăng trưởng và phát triển. Chính vì vậy, chúng ta phải xem xét làm sao để có thể thu hẹp phạm vi các hoạt động kinh tế theo hướng tôn trọng các giới hạn của Trái đất, với nghệ thuật tiết chế như một phần tầm nhìn về một nền kinh tế có thể tồn tại.
Trong bối cảnh ấy, điều đáng mừng là một lần nữa con người đang nỗ lực tìm ra những giải pháp mới. Đó là lý do tại sao lại có cuộc tranh luận về thịnh vượng không cần tăng trưởng; và tại sao có cuộc tranh luận về cách thức xây dựng một nền kinh tế hậu tăng trưởng; cũng là lý do tồn tại một chiến dịch phản đối tăng trưởng. Đó là sự phục hưng toàn cầu của tài nguyên chung. Tất cả là một phần của công cuộc tìm kiếm con đường thoát khỏi mô hình sản xuất và tiêu thụ tàn phá (tự nhiên) của chúng ta hiện nay.
Tôi nghĩ đó làm một trong những hướng phát triển tích cực nhất, đánh dấu sự tái xuất hiện của những con người đang cố gắng tìm ra một giải pháp, của những người tiên phong suy nghĩ một cách nghiêm túc về cách thoát khỏi sự thúc ép của thị trường, khỏi áp lực của hiệu suất và của những mô hình sản xuất đang phá hủy tài nguyên.
PV: Bà có nghĩ rằng chủ nghĩa tư bản phải chịu trách nhiệm chính đối với sự suy thoái môi trường? Liệu một số giáo điều như tối đa hóa lợi nhuận có phải rút lui hoặc xem xét lại?
Barbara Unmüßig: Như tôi đã nói, chủ nghĩa tư bản như hiện nay chúng ta biết cần đến lợi nhuận, nếu không nó không thể trang trải lãi từ khoản vay cần để đầu tư. Làm thế nào để thoát khỏi sự tất yếu này, làm thế nào để đứng giữa các giới hạn sinh thái là câu hỏi quan trọng của thế kỷ XXI. Và đó là lý do tại sao tôi tham gia và hỗ trợ mọi nỗ lực tư duy về cách thức vượt qua sự tất yếu của tăng trưởng này.
Kinh tế học về hệ sinh thái và nghiên cứu đa dạng sinh học (TEEB) là một sáng kiến quốc tế nhằm thu hút sự quan tâm tới những lợi ích kinh tế toàn cầu của đa dạng sinh học và nhấn mạnh những tổn thất ngày càng tăng do mất đa dạng sinh học và suy thoái hệ sinh thái. |
SB: Ngân hàng Deutsche đã cho tiến hành một nghiên cứu đưa dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học vào làm một cơ sở kinh tế mới. Bà có nghĩ rằng có sự xung đột lợi ích ở đây không?
BU: Deutsche Bank đã thực hiện nghiên cứu Kinh tế học về hệ sinh thái và đa dạng sinh học (TEEB) của UNEP. Tôi nghĩ rằng rất nhiều lời chỉ trích sáng kiến
“Kinh tế học về Hệ sinh thái và Đa dạng sinh học” là có căn cứ. Điểm tranh luận chính là sáng kiến này sẽ thúc đẩy sử dụng tối đa và thương mại hóa tự nhiên cùng các chính sách môi trường. Trong khi đó, ngày nay vẫn còn hàng triệu người sử dụng tự nhiên mà không phá hủy nó. Họ không cần cách tiếp cận mới dựa trên thị trường hiện đang được đề xuất. Liệu chúng ta có thể để cho thiên nhiên được yên không?
Khi các nguyên tắc kinh tế được đặt lên trên, nghĩa là biến hệ sinh thái và đa dạng sinh học thành hàng hóa hoặc “tài sản” như chúng từng được gọi tên thì người ta sẽ cần đến các hệ thống sở hữu để thương mại hóa. Song rất tiếc là điều này lại có hiệu ứng phá hủy tài sản chung, tước đi quyền lợi của người dân.
PV: Bà có biết ví dụ tích cực nào về áp dụng các nguyên tắc kinh tế này, có thể là ở quy mô nhỏ không?
Barbara Unmüßig: Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn đầu giải quyết vấn đề sử dụng tối đa tự nhiên. Việc đánh giá các dịch vụ mà một số hệ sinh thái cung cấp có thể có ý nghĩa, đặc biệt trong những trường hợp rủi ro nhất định. Chẳng hạn với một thảm họa khi một công ty bảo hiểm cần phải biết rõ những thiệt hại mà họ phải đền bù. Điều này có ý nghĩa tạo cơ sở để đánh giá. Đó là lý do tại sao nay các nhà kinh tế vẫn cố gắng đánh giá các dịch vụ hệ sinh thái.
Chẳng hạn, khi Ecuador tuyên bố không khai thác dầu trong các khu rừng mưa để bảo vệ môi trường sống với khẩu hiệu “để yên dầu trong lòng đất”, vấn đề được đánh giá ở đây là giá trị của rừng đối với con người và giá trị của dầu nếu được khai thác. Đây là một ví dụ tích cực và nó cho thấy rằng bất cứ khi nào thiên nhiên được đánh giá thì người ta phải đặt câu hỏi: Điều này tốt cho ai? Ai sở hữu cái gì? Ai kiểm soát? Những câu hỏi như vậy dẫn đến những câu hỏi lớn hơn về quyền sở hữu và phân phối công bằng.
PV: Liệu có phải là quá khó khăn cho những đánh giá như vậy vì có rất nhiều yếu tố rủi ro liên quan, trong đó có những nguy cơ thậm chí không nhận thức được?
Barbara Unmüßig: Đúng vậy. Thật không may là cách tiếp cận của chúng ta hiện nay là cố gắng tìm kiếm các giải pháp công nghệ cho cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu thay vì cân nhắc mô hình kinh tế thu nhỏ, tiết kiệm và tăng hiệu suất. Vấn đề không phải là công nghệ không thể cung cấp giải pháp, mà cần phải đặt câu hỏi là chúng ta hỗ trợ công nghệ nào và ai kiểm soát chúng, tác động xã hội và môi trường từ công nghệ đó là gì?
Điều làm tôi lo lắng là xu hướng coi công nghệ như một loại thuốc chữa bách bệnh, khiến nó trở nên tuyệt đối mà không bao giờ tranh luận về các yếu tố khác như lối sống và xu hướng tiêu dùng. Nhiều công nghệ có nguy cơ cao vẫn đang được liều lĩnh giới thiệu và hậu quả hầu như không bao giờ được đánh giá.
Hiện nay, tất cả các quốc gia ở Bắc bán cầu và một số ở Nam bán cầu đã chi tiêu một khoản rất lớn cho nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ cao thay vì nghiên cứu để tìm ra cây trồng thích nghi với biến đổi khí hậu cho nông dân. Điều này, một lần nữa, lại đặt ra câu hỏi: nghiên cứu cái gì và vì ai? Ai được hưởng lợi bởi công nghệ gì? Và ai sẽ chịu trách nhiệm về những công nghệ có nguy cơ cao?
PV: Cảm ơn bà!