ThienNhien.Net – Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt, đó là một thực tế mà cộng đồng toàn cầu đã thừa nhận. Tuy nhiên, đến nay người ta vẫn thường chỉ đề cập tới các hậu quả kinh tế của hiện tượng này trong khi khía cạnh đạo đức liên quan tới biến đổi khí hậu vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Sử dụng những nguyên tắc về quyền con người trong các chính sách khí hậu có thể giải quyết được thách thức này. Đó là quan điểm của nhà triết học chính trị Simon Caney thuộc Đại học Oxford, xin giới thiệu tới độc giả.
Có vô số câu hỏi đặt ra như mục tiêu của chính sách khí hậu là gì? Ai phải chịu trách nhiệm trước biến đổi khí hậu? Đối tượng nào nên tham gia vào quá trình ra quyết định về các chiến lược giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu? Khung nguyên tắc về quyền con người sẽ là một cách thức hiệu quả để giải quyết các vấn đề này, đồng thời cũng là một gợi ý thực tế cho các lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới.
Khung nguyên tắc về quyền con người có thể là một hướng dẫn cho quá trình thiết lập chính sách khí hậu vì các lý do sau:
Bảo vệ quyền cơ bản của con người
Thứ nhất, công cụ này giúp cụ thể hóa các mục tiêu của chính sách. Điều 2 trong Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc có nhắc tới “trở ngại nguy hiểm do con người gây ra”, tuy nhiên từ “nguy hiểm” vẫn chưa được giải thích một cách thấu đáo.
Rất nhiều người cho rằng mục tiêu của chính sách về khí hậu là nhằm ngăn nhiệt độ trung bình trên toàn cầu không tăng thêm 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhưng nhìn cả từ góc độ khoa học và đạo đức thì việc giải thích tại sao đây lại là một mục tiêu phù hợp lại không hề rõ ràng.
Trong trường hợp này, khung nguyên tắc về quyền con người giúp chúng ta xác định biến đổi khí hậu “nguy hiểm” theo nghĩa là những thay đổi làm suy giảm khả năng thụ hưởng của con người trong các quyền cơ bản là lương thực, nguồn nước, sức khỏe và quyền được sống. Điều này có nghĩa là mục tiêu ngăn chặn nhiệt độ trung bình tăng thêm 2oC dường như quá xa vời để đảm bảo những quyền cơ bản này.
Cách tiếp cận từ quyền con người cũng có thể định hướng cho hoạt động thích ứng thông qua việc khẳng định mục tiêu của chính sách thích ứng là nhằm đảm bảo các quyền lợi cơ bản của con người mà không làm ảnh hưởng đến các quyền lợi khác.
Chia sẻ gánh nặng
Thứ hai, khung nguyên tắc về quyền con người cũng giúp cộng đồng toàn cầu giải đáp câu hỏi thế giới nên chia sẻ trách nhiệm ra sao trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu.
Điều quan trọng là cho dù chúng ta áp dụng nguyên tắc “người gây ô nhiễm trả tiền” (người gây ra phải trả giá) hay nguyên tắc “trả tiền theo khả năng” (người giàu có phải trả tiền) thì chi phí cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng không được gây ảnh hưởng đến quyền cơ bản của con người về thực phẩm, nguồn nước, sức khỏe và quyền được sống.
Điểm này cũng liên quan đến sự phân chia quyền phát thải khí nhà kính – những chính sách giảm thiểu biến đổi khí hậu cần đảm bảo quyền tiếp cận với năng lượng. Khung nguyên tắc về quyền con người cũng có thể áp dụng vào các chính sách phát triển các nguồn năng lượng mới, chẳng hạn như nhiên liệu sinh học.
Điều này có thể giúp tránh xảy ra tình trạng như với chính sách về ethanol sinh học tại Mỹ, các sản phẩm ethanol sinh học chiết xuất từ mía của Brazil, và sản xuất diesel sinh học từ dầu cọ ở Malaysia, khi đều bị cáo buộc với các lý do xâm phạm quyền lợi của người dân về thực phẩm, vi phạm quyền lao động và tước quyền sở hữu đất đai truyền thống.
Ngoài ra, khung nguyên tắc về quyền con người còn có ý nghĩa ở chỗ con người có quyền được thông tin và tham gia vào các chính sách về khí hậu có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của họ.
Công bằng trong chia sẻ công nghệ
Bên cạnh việc định hướng giải quyết những thách thức mà biến đổi khí hậu đặt ra, khung nguyên tắc về quyền con người cũng có ba ý nghĩa thực tiễn quan trọng – đặc biệt đối với chính sách trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Trước hết, khung nguyên tắc về quyền con người giải thích lý do tại sao việc nhóm nước phát triển chuyển giao công nghệ một cách rộng rãi sang nhóm nước kém phát triển nhằm tạo điều kiện cho họ thích ứng với biến đổi khí hậu là hoàn toàn công bằng, và tại sao nhóm nước phát triển phải trang trải chi phí này. Không những thế, các nước phát triển còn nợ các nước kém phát triển thứ công nghệ mà các nước này cần để phát triển theo hướng không làm trầm trọng biến đổi khí hậu.
Thứ hai là, mặc dù nhân loại cần tiến tới một nền kinh tế giảm thải carbon, những nguồn năng lượng mới cũng cần phải vượt qua bài toán về quyền con người. Chúng ta có thể thực hiện việc này thông qua các hệ thống chứng nhận bằng việc yêu cầu bất kỳ nguồn năng lượng mới nào cũng đều phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quan trọng, bao gồm giảm thiểu phát thải khí nhà kính và cân bằng giữa chi phí bỏ ra và lợi ích mà các công nghệ mới đem lại.
Thứ ba, chính sách về khoa học và công nghệ cũng nên tập trung vào quyền lợi của từng cá nhân trong xã hội – sẽ là một sai lầm nếu chỉ tập trung vào khí thải ở cấp quốc gia, điều có thể khiến các vấn đề như sự bất bình đẳng trong phạm vi quốc gia bị đặt ra ngoài lề.
*
Biến đổi khí hậu là hậu quả gây ra bởi nhiều nhân tố: các doanh nghiệp, các chính phủ và các thể chế quốc tế. Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề này, các thể chế xây dựng chính sách năng lượng – từ các cơ quan lập pháp ở cấp độ quốc gia đến các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới hay Ngân hàng Thế giới và các nhóm tài trợ các nghiên cứu về công nghệ mới – cần giải bài toán về quyền con người trong quá trình ra quyết định.
Hơn nữa, các tổ chức này cần phải phối hợp và hợp tác với nhau nhằm đảm bảo không tiếp tục thực hiện các chính sách kinh tế xã hội gây hại cho môi trường.
Trên hết, các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt ở các quốc gia phát triển, nên có chính sách ưu đãi để tạo ra các nguồn năng lượng và công nghệ sạch, đồng thời phổ biến những tiến bộ này cho những quốc gia cần chúng để thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển.