ThienNhien.Net – Rác là “một phần tất yếu của cuộc sống”. Khi nhu cầu, đời sống của người dân nâng lên thì theo đó, lượng rác thải cũng tăng theo. Thế nhưng câu chuyện nhỏ dưới đây xảy ra tại một thành phố cũng nhỏ của miền trung sẽ khiến nhiều người phải suy nghĩ. Có đôi khi vì một lý do nào đó, chính bản thân mỗi người chúng ta cũng đã ở trong trường hợp như thế.
Vô tư đổ rác trên cầu
Đó là hành động của một người đàn ông đã trên 50 tuổi. Ông đẩy một chiếc xe ba gác chứa đầy những bao tải rác chất đống trên xe, rồi từ từ chậm rãi đẩy đến bên thành cầu Kỳ Phú (Tp Tam Kỳ), phía dưới là con sông Trường Giang trong xanh lững lờ trôi, hai bên đường, trên cầu người dân qua lại nhìn chăm chú. Và rồi từng bao rác một từ gạch vữa vỡ nát, đến rau rác, những cuộn nilon và vô vàn thứ rác rưởi khác được ông trút bỏ xuống dòng sông một cách bình thản. Người đi trên cầu, dưới cầu trợn tròn mắt nhìn. Vài tiếng la vọng từ dưới lòng sông lên khi con thuyền nan đi qua vướng phải mớ bụi bặm và rác rưởi. Nhưng người đàn ông cũng vẫn mặc kệ, từng bao, từng bao rác một được ông đổ xuống. Người đi trên cầu dừng lại nói một vài điều, người đàn ông nọ gật gù rồi… tiếp tục đổ rác.
Người qua đường chán nản, người dưới lòng sông la lối, người ngồi bên bờ sông lắc đầu, chỉ riêng người đàn ông kia vẫn cần mẫn làm cho xong công việc của mình. Khi chiếc bao tải cuối cùng sạch trơn. Người đàn ông cuộn lại rồi tiện tay ném về phía con thuyền nan vừa hứng một đợt rác khi đi qua gầm cầu cùng một lời mạt sát. Xong, như vừa làm được một việc “vĩ đại”, người đàn ông lên chiếc xe ba gác và thong thả đạp về trong phố, khuôn mặt không một chút gì ái ngại mặc mọi người nhìn. Phía dưới, dòng sông sủi ngầu lên và rác lềnh bềnh trên mặt nước, người phụ nữ trên chiếc thuyền nan chống mái chèo lặng lẽ, hàng quán hai bên bờ sông vẫn tấp nập, ồn ào.
Nỗi buồn ý thức
Anh bạn tôi là dân Cồn Thị (một cù lao giữa dòng sông Trường Giang, đoạn nằm giữa cầu kỳ phú 1 và 2) kể lại rằng hồi anh còn nhỏ, nước sông rất sạch, chiều người ta ra tắm sông và câu cá nườm nượp. Nhưng khi thành phố lớn dần lên, những cư dân ồ ạt đến sống dọc bờ sông. Bởi họ quá quen với ý nghĩ “rác ở ngoài thân”, nhiều người vẫn vô tư đi vệ sinh ngay trên cầu thải xuống dưới, hay tiện tay vứt rác xuống sông. Bây giờ thì dòng sông Trường Giang xinh đẹp xưa hiện đang từng ngày từng giờ vẫn phải chiến đấu với “mưu chước” xả rác của biết bao người như vậy. Cầm ly bia trên tay, chợt thấy đắng chát đầu lưỡi. Tôi không dám kể những con sông, con suối, con kênh đang dần chết vì ý thức người dân xả rác quá bừa bãi, sợ anh chạnh lòng.
Anh bảo lý do chính là do người dân chưa có ý thức, cùng với đó là việc hạ tầng đô thị được đầu tư chưa có chỗ chứa rác hợp lý. Nhưng rồi anh lại chỉ về phía đầu cầu, nơi có hai thùng rác công cộng trống rỗng, chua chát: “Phía ấy có thùng rác đấy, nhưng nếu bạn để ý thì nhiều người còn rất tuỳ tiện, có thói quen xấu là vứt rác ra đường, ra sông bất kể mọi lúc mọi nơi. Công nhân gom rác vừa đi qua, họ thả luôn rác ngay sau đó. Nếu thế thì thành phố này có cả ngàn công nhân môi trường cũng… chịu. Quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân. Nhưng nếu ai cũng như người đàn ông xả rác trên cầu kia, thì chắc chỉ vài năm nữa thôi dòng sông Trường Giang này sẽ là một dòng sông chết!”
Rồi anh ngậm ngùi, muốn giữ được môi sinh trong lành thì cần hành động phải từ 2 phía, cả chính quyền và người dân. Cần lắm một chương trình truyền thông nâng cao ý thức người dân về rác và môi trường sống, hay một chương trình vận động và tuyên dương mô hình kiểu mẫu về bảo vệ môi sinh tại khu dân cư. Nhưng thành phố chưa làm được điều đó.
Tôi hiểu điều băn khoăn của anh, khi chỉ vài năm nữa thôi, thành phố Tam Kỳ sẽ phát triển hơn, con sông Trường Giang nằm giữa lòng thành phố sẽ trở thành một con sông rác, đầy mùi hôi thối, người dân thành phố sẽ làm cách nào để chung sống được với con sông không có sự sống ấy. Bây giờ dòng Trường Giang vẫn còn xanh, vẫn còn trong lành nhưng ai mà dám chắc nó còn như thế được bao lâu, khi vẫn có những người đổ rác trên cầu như thế…