ThienNhien.Net – Ngày 3/10, trong vai trò là cơ quan tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã công bố một nghiên cứu độc lập “Đánh giá tình hình hoạt động động đất khu vực công trình thuỷ điện Sông Tranh 2 và đề xuất biện pháp phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại” do PGS.TS Cao Đình Triều cùng cộng sự thuộc Hội khoa học kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam thực hiện.
Mục tiêu của đề án nhằm đánh giá sự biến động của môi trường sinh chấn và nguy cơ gây ra động đất kích thích khi hồ chứa hoạt động, qua đó nâng cao nhận thức của cộng đồng về động đất kích thích liên quan đến sự hoạt động của hồ chứa nhằm hạn chế thấp nhất về thiệt hại khi động đất kích thích xảy ra.
Bản đánh giá khẳng định, động đất tại thủy điện Sông Tranh 2 nằm trong khu vực đặc biệt, là nơi mà động đất chưa từng xảy ra trước đó. Đây cũng là khu vực nằm trong phạm vi hoạt động của đới đứt gãy cấp II Trà My (cách vai đập gần nhất khoảng 1,8km), vì thế động đất xảy ra ở đây sẽ tác động trực tiếp tới vùng hồ và đập thuỷ điện.
Cũng theo các nhà nghiên cứu, đới đứt gãy Trà My được chia thành nhiều đứt đoạn có nguy cơ xảy ra động đất với độ lớn cực đại đạt các gia trị khác nhau. Đáng chú ý là đoạn gần nhất với đập và có vị trí nằm trong vùng ảnh hưởng của nước hồ dâng có giá trị động đất cực đại đạt 6,6 độ Richter với độ sâu chấn tiêu 10-15km, động đất cấp độ mạnh như thế này có thể gây nên chấn động cấp độ VIII tại chân đập thuỷ điện Sông Tranh 2. Những trận động đất tại đây chủ yếu là động đất kích thích phản ứng nhanh, có biểu hiện hoạt động dồn dập theo từng đợt, đợt sau có xu thế tăng về tần suất và lặp lại với cấp độ mạnh.
Khi hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 được tích nước, tải trọng nước trong hồ sẽ làm gia tăng ứng suất của đất đá trong khu vực hồ chứa. Giá trị trường ứng suất gia tăng do tải trọng nước hồ chứa được tính toán có giá trị tối đa đạt 0,8 bar. Điều này có nguy cơ sẽ gây ra các biến cố trượt và sạt lở đất làm ảnh hưởng tới các công trình dân sinh và hoạt động an toàn của đập cũng như gây lấp lòng hồ, chặn dòng chảy. . .
Từ những nghiên cứu trên, nhóm tác giả đưa ra những kiến nghị tập trung vào việc cần tiến hành nghiên cứu và đánh giá chi tiết động đất kích thích, các tai biến về địa chất như sụt đất, trượt lở đất, lũ quét trong phạm vi hồ chứa thuỷ điện Sông Tranh 2; xây dựng hệ thống theo dõi và cảnh báo nguy cơ tai biến địa chất địa chất nguy hiểm để có biện pháp ứng phó kịp thời; theo dõi sát sao diễn biến của hoạt động động đất, hạn chế tối đa sự biến động nhanh của mực nước hồ; nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư đang sinh sống quanh khu vực lòng hồ thuỷ điện về động đất và tai biến địa chất liên quan. . .
Hội đồng khoa học đánh giá cao tính khoa học và thực tiễn của đề án, đồng thời kiến nghị với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cho phép nhóm tác giả tiếp tục triển khai những nghiên cứu sâu rộng hơn những vấn đề xung quanh hiện tượng động đất tại khu vực thuỷ điện Sông Tranh 2 và các công trình thuỷ điện khác, lấy đây làm cơ sở cho những ý kiến tư vấn với Chính phủ về vấn đề này.
Theo tin từ TTXVN, ngày 3/10, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt chi phí hỗ trợ di dời nhà ở cho 7 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất và nước lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 dâng cao tại xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam mà đại diện là Ban quản lý dự án thủy điện 3 có trách nhiệm hỗ trợ 845,5 triệu đồng cho các hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó chi phí xây dựng nhà ở là gần 683 triệu đồng, chi phí xây nhà vệ sinh gần 100 triệu đồng; chi phí mua đất để xây dựng nhà ở là 48 triệu đồng…
UBND tỉnh Quảng Nam cũng giao Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư công trình thủy điện Sông Tranh 2,phối hợp với Ban Quản lý dự án thủy điện 3 và chính quyền địa phương, các cơ quan có liên quan tổ chức chi trả tiền hỗ trợ sau khi phương án được phê duyệt; chịu trách nhiệm kiểm tra xác định tính pháp lý của từng đối tượng trước khi chi trả tiền và lập thủ tục thanh quyết qoán theo quy định. |