ThienNhien.Net – Dân số gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam có thể làm suy yếu những nỗ lực bảo tồn – Đó là nhận định từ cuốn sách Evidence-based Conservation: Lessons from the Lower Mekong (Tạm dịch: Bảo tồn dựa vào bằng chứng: Bài học từ vùng Hạ lưu sông Mê Kông) mới được công bố tại Hội nghị bảo tồn Quốc tế hồi đầu tháng này.
Khi dân số số tại các khu vực bảo tồn gia tăng thì hoạt động canh tác nông nghiệp, mở rộng cơ sở hạ tầng, săn bắt, khai thác gỗ cùng với các mối đe dọa khác như cháy rừng cũng tăng lên. Dân số gia tăng sẽ gây ra nhiều áp lực cho các khu bảo tồn và đặc biệt nghiêm trọng là những thay đổi về lối sống theo hướng thiếu bền vững, đe dọa khả năng bảo tồn.
Theo chỉ số phát triển thế giới, Việt Nam là một trong những nước nông nghiệp có mật độ dân số cao nhất với gần ¾ trong số 88 triệu người sống ở nông thôn, trong đó gần 1/5 là dân nghèo. Đặc biệt, phần lớn người dân nghèo nông thôn là đồng bào dân tộc thiểu số, vốn thường sinh sống trong các khu bảo tồn.
Vườn Quốc gia Cát Tiên là nơi trú ngụ của khoảng 200 000 người dân có sinh kế phụ thuộc vào rừng. Mặc dù bị cấm khai thác tài nguyên từ các khu bảo tồn, hầu hết người dân địa phương vẫn tạo thu nhập thông qua các hoạt động dựa vào rừng như trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Trong khi nhiều người nơi đây là dân cư bản địa thì cũng có rất nhiều người mới di cư đến khu vực này vào những năm 1990 khi chính phủ tuyên bố đây là vùng kinh tế mới. Các chính sách đã tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế nhanh chóng bằng cách ưu tiên các khu vực sản xuất tiềm năng là đất rừng, và nhờ vậy tỷ lệ đói nghèo trên toàn quốc đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên, lịch sử bảo tồn nơi đây cũng ghi nhận nhiều tai ương. Việc phun thuốc diệt cỏ trong thời chiến tranh đã để lại những tổn thất không thể bù đắp được đối với nhiều khu vực. Ngoài ra, tình trạng khai thác gỗ và săn bắt động vật hoang dã trái phép gần đây đã dẫn tới sự tuyệt chủng của quần thể tê giác Java trên lục địa châu Á.
Các hoạt động của con người tiếp tục đe dọa đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước). Hoạt động nông nghiệp như canh tác nương rẫy, chuyển đổi đất, đã phá hủy môi trường sống và tạo điều kiện cho sự mở rộng của các loài xâm lấn.
Các vấn đề phát sinh tại khu bảo tồn được lý giải là do luật đất đai phức tạp, phân cấp trách nhiệm quản lý đất cho nhiều cơ quan chính phủ khác nhau khiến sự phối hợp lỏng lẽo và thiếu hiệu quả.
Tại khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (Quảng Nam), nhu cầu trồng trọt khiến cư dân địa phương xâm chiếm các khu đất rừng. Các kế hoạch mở rộng đồn điền cao su và xây dựng vùng kinh tế chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề.
Trong lúc đó, khu bảo tồn thiên nhiên mới được thành lập Hoàng Liên (Lào Cai) cũng đang đối mặt với nhiều thách thức môi trường. Trong khi hoạt động nông nghiệp là sinh kế chính của người dân thì tình trạng gia tăng phá rừng để canh tác bạch đậu khấu và quế đang là một mối quan ngại chính.
Mặc dù đã phân chia các khu bảo tồn thành các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu hành chính – dịch vụ, nhưng những lỗ hổng trong các quy định hiện hành và sự phối hợp yếu kém giữa các cơ quan quản lý vẫn khiến tài nguyên tại các khu bảo tồn bị đe dọa.
Để giải quyết sức ép dân số một cách hiệu quả tại các khu bảo tồn Việt Nam, tác giả của cuốn sách nói trên cho rằng các khu bảo tồn cần hỗ trợ người dân sống trong vùng đệm để họ có kế sinh nhai bền vững.
Tái định cư cũng có thể là một giải pháp khôn ngoan, nhưng điều quan trọng là phải bảo vệ những giá trị tự nhiên của khu bảo tồn – tác giả nhận định.
Kinh nghiệm cho thấy người dân phải tái định cư mất sinh kế của mình, nhưng không được đền bù đầy đủ để tái định cư. Họ được cung cấp đất sản xuất và nhà ở tại vùng đệm nhưng lại không được hỗ trợ tài chính và cũng không có kĩ năng để sản xuất. Cho nên, việc tái định cư cho người dân trong tương lai cần đảm bảo bồi thường xứng đáng và đào tạo bài bản các phương pháp sản xuất.