ThienNhien.Net – Đêm về khuya. Ngồi lật dở từng trang tâm thư “Hãy cứu lấy rừng Yok Đôn!” mà tôi vừa nhận được chiều nay từ một người bạn vốn là một kiểm lâm viên, ý nghĩ phải viết cái gì đó cứ thôi thúc và trở đi trở lại trong tâm trí tôi. Và câu chuyện được viết ra dưới đây đã phần nào giúp tôi vơi nhẹ nỗi trăn trở ấy. Tôi sẽ không nhắc đến tên anh ở đây với niềm mong mỏi rằng anh chỉ là một đại diện cho rất nhiều người bảo vệ rừng đang trăn trở với nỗi đau nhìn thấy những cánh rừng đổ xuống.
Trải lòng về chuyện đời, chuyện nghề, vị kiểm lâm viên nguyện cả đời gắn bó với sự nghiệp bảo vệ rừng tại một trong những khu rừng đặc dụng lớn nhất cả nước tâm sự, bên cạnh những phút giây thăng hoa và hạnh phúc trong công việc vì được làm đúng sở nguyện của mình, nhiều khi trong lòng anh dấy lên cảm xúc buồn mênh mang khó tả, lúc trào dâng mãnh liệt, khi xen lẫn xót xa. Làm sao có thể không buồn khi hàng ngày, hàng giờ phải chứng kiến từng gốc cây bị quật đổ, từng thớ gỗ bị xẻ phanh, từng con thú rừng bị sập bẫy. Tôi hiểu nỗi buồn đó ở anh là nỗi buồn của ý chí bất lực nhưng không bất bại!
Từng là một người lính đi qua bao trận đánh, dấu chân anh in hằn trên từng nẻo đường rừng, nhất là những khu rừng già rợp bóng của Tây Nguyên ở cái thời còn giữ được vẻ hoang sơ, hùng vỹ và đa dạng. Chính cái vẻ đẹp hùng vĩ và đa dạng ấy đã thôi thúc anh phải làm điều gì đó để giữ cho kỳ được những cánh rừng quý báu này. Và tâm niệm của anh cuối cùng cũng thành hiện thực, trở lại thời bình, anh được giao trọng trách đúng như sở nguyện – được công tác trong ngành lâm nghiệp, và về sau được tham gia bảo vệ rừng Yok Đôn trong vai trò một cán bộ kiểm lâm. Anh hạnh phúc vì được theo đuổi con đường mà tư tưởng và trái tim anh bấy lâu đã lựa chọn.
Nhưng cảm giác hài lòng trong anh nhanh chóng bị lấp đầy bởi những hoài nghi và bất mãn. Có thể lắm chứ bởi thực tế khác xa nhiều so với những gì anh nghĩ. Từ lâu, anh vẫn tin rằng, chỉ cần mình nhiệt huyết yêu rừng, giữ rừng đến cùng thì tất cả sẽ vẹn nguyên, nhưng không, đã từ nhiều năm trở lại đây, rừng Yok Đôn khó có thể giữ cho mình một phút giây bình yên thực sự, các vụ bắt giữ gỗ lậu vẫn nối tiếp nhau, và rừng Yok Đôn ngày một tiêu điều, xơ xác.
Lẽ tất nhiên, anh không thể ngồi yên, anh đã báo cáo, đã yêu cầu giữ rừng một cách rốt ráo và quyết liệt, đã đòi hỏi tích cực phát hiện các vụ phá rừng, cần xử lý vi phạm mạnh tay hơn, cần thông tin với báo chí để họ phản ánh và trợ giúp, cần… Nhưng tất cả bao nhiêu chữ “cần” đó trải dài trong suốt mấy chục năm công tác của anh vẫn rơi vào khoảng lặng, thậm chí bản thân anh còn gặp nhiều trở ngại trong công việc cũng như bị ảnh hưởng về danh dự.
Điều đáng buồn là càng nỗ lực bao nhiêu, anh càng thất bại bấy nhiêu. Sau nhiều lần tham gia góp ý và trực tiếp bắt giữ các vụ vi phạm, thay vì được tuyên dương, anh nhận được quyết định kỷ luật về “tội” viết đơn tố cáo tập thể. Và cái “tội” ấy khiến anh bị miễn nhiệm tất cả các chức vụ trong Đảng cũng như chức phó ban quản lý dự án.
Vẫn không chịu dừng lại, anh tiếp tục cộng tác với các cơ quan báo chí nhờ họ phản ánh thực trạng phá rừng nghiêm trọng tại Yok Đôn, trực tiếp dẫn đường và cung cấp thông tin để các nhà báo có thể thông tin tới dư luận bằng những thước phim, hình ảnh cùng hàng loạt chứng cứ về hành vi vi phạm của lâm tặc.
Năm 2010, thực trạng phá rừng tại Yok Đôn bị phơi bày trên các mặt báo. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã thân chinh vào Đăk Lăk để chỉ đạo tình hình. Song, rừng Yok Đôn sau đó vẫn tiếp tục “chảy máu” và lâm tặc thì càng lộng hành hơn.
Những ngày cuối năm 2011, đầu năm 2012, và cả trong thời gian gần đây, lâm tặc vào rừng như vào chỗ không người. Chúng vô tư chặt những cây giáng hương đại thụ ngay gần các trạm kiểm lâm rồi cũng ngang nhiên vận chuyển qua các trạm kiểm soát.
Gần đây nhất, ngày 12/8, lâm tặc tổ chức hàng chục người kèm theo ô tô loại bảy chỗ và hàng chục xe máy, cưa máy vào tiểu khu 410 khai thác hàng chục cây gỗ giáng hương. Trạm kiểm lâm số 08 tuy có biên chế tới 12 cán bộ song lại không hề hay biết chuyện. Chỉ tới khi người dân báo tin cho đội xung kích của Vườn thì sự vụ mới vỡ lở. Kết quả, một xe 07 chỗ chở trên 1m3 gỗ, 06 xe hon đa chở 1,2m3 lóng gỗ, 01 cưa máy bị thu giữ. Toàn bộ tang vật được đội bàn giao cho Hạt kiểm lâm của Vườn xử lý, song hơn một tháng nay, vẫn chưa có thông tin gì thêm về vụ việc.
Điểm lại vài năm trở lại đây, Vườn quốc gia Yok Đôn đã bị lâm tặc chặt trộm hàng nghìn cây gỗ quý, chủ yếu là Hương và Cẩm lai…
Thật đau lòng khi phải chứng kiến cảnh tàn phá rừng tại ngay chính vườn quốc gia lớn nhất cả nước. Nỗi đau này có lẽ còn ám ảnh anh nhiều hơn so với vết thương mà chiến tranh đã để lại trên cơ thể anh. Và trong những cảm xúc buồn xen lẫn bất mãn, anh vẫn chờ đợi một phép màu mang đến cho Yok Đôn, dù phép màu ấy chỉ là những hy vọng mong manh.
Đêm 28/09/2012