ThienNhien.Net – “Chỉ còn 3 năm nữa, các nước Khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ phải hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) nhưng những cách biệt sâu rộng giữa và trong các nước vẫn khá lớn, do đó cần phải sớm giải quyết những cách biệt này để đảm bảo hoàn thành mục tiêu giúp đỡ các cộng đồng dễ bị tổn thương” – TS. Shin Young-soo, Giám đốc Khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát biểu tại hội nghị Hội nghị Khu vực Tây Thái Bình Dương được tổ chức tại Hà Nội.
“Nếu không thực hiện hành động khẩn cấp, chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu ở một số lĩnh vực, đặc biệt là công tác giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em và cải thiện sức khoẻ bà mẹ” – TS. Shin Young-soo nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Shin, tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm 60% trong Khu vực, từ 48 ca tử vong/1.000 ca sinh năm 1990 xuống còn 19 /1.000 năm 2010. Tuy nhiên, vẫn còn 6 nước chiếm một tỷ lệ ước tính 9,7% số trẻ tử vong dưới 5 tuổi như Campuchia, Trung Quốc, CHDCND Lào, Pa-pua Niu Ghi-nê, Philippin và Việt Nam. Những khác biệt về tử vong trẻ em cũng còn tồn tại trong các nước.
Mặc dù tử vong mẹ có chiều hướng suy giảm của ở hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trong Khu vực nhưng vẫn có sự khác biệt lớn và không công bằng giữa và trong các nước. Ở các nước có thu nhập thấp như CHDCND Lào, tỷ suất tử vong mẹ là 470/100.000 trẻ sinh sống – cao hơn nhiều so với các nước có thu nhập trung bình như Malaisia với tỷ suất 29/100.000, và Việt Nam với 59/100.000. Tỷ suất tử vong mẹ ở Campuchia và Pa-pua Niu Ghi-nê cũng vẫn duy trì ở mức cao lần lượt là 250 và 230/100.000 trẻ sinh sống.
Trong Khu vực, dịch HIV đã có dấu hiệu đang dần ổn định với tỷ lệ bao phủ của các biện pháp can thiệp dự phòng đã gia tăng cho các cộng đồng có nguy cơ cao nhất. Tuy nhiên, chỉ có 43% những người cần được điều trị HIV tiếp cận được với các thuốc kháng retro vi rút. Do đó, việc tiếp cận điều trị vẫn cần được mở rộng, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình.
Thiếu tiếp cận phổ cập với chăm sóc sức khoẻ cũng là một vấn đề cấp bách, với chi phí cao và phải chi trả từ tiền túi đã làm cho việc chăm sóc sức khoẻ vượt khỏi tầm với của nhiều người dân trong Khu vực. Bảo hiểm y tế toàn dân cần được cải thiện để giúp cho mọi người được tiếp cận với các dịch vụ có chất lượng tốt mà không bị ràng buộc vào tài chính. Đặc biệt, cần chú ý tới các nhóm người chịu thiệt thòi.
Các rào cản khác như hệ thống y tế yếu kém và mất công bằng trong y tế ngày càng lan rộng. Do đó, các nước cũng cần có hệ thống thống kê dân số và thống kê sinh tử đáng tin cậy hơn để theo dõi tốt hơn gánh nặng bệnh tật và để có những can thiệp y tế phù hợp.