ThienNhien.Net – Tình trạng phá rừng làm rẫy trồng ngô của các đồng bào dân tộc ít người ở huyện Chiêm Hóa, Tỉnh tuyên Quang xảy ra đã mấy năm nay nhưng chính quyền địa phương vẫn không thể đưa ra biện pháp ngăn chặn. Thậm chí, ngay cả việc áp dụng xử phạt hành chính cũng gặp nhiều khó khăn.
Từ nhiều năm trước, người dân xã Kiên Đài đã phá không ít diện tích rừng tự nhiên, rừng sản suất, rừng phòng hộ… để trồng ngô. Hiện nay, dọc hai bên đường của xã cũng toàn là những nương ngô, chuối, trải dọc từ các thôn Bản Tai, Chè Hon, Khun Cúc đến Khun Mạ. Nhiều cây gỗ lớn, nhỏ thậm chí không được tận thu hết vẫn nằm la liệt dọc những triền ngô.
Theo anh Ma Văn Thành – Trưởng Công an xã Kiên Đài, sau mấy tháng phát, đốt, bây giờ là thời điểm người dân xuống giống trồng ngô. Trước đây, khi rừng chưa bị phá, đây là vùng đất màu mỡ, cây cối xanh um nhưng do rừng bị phá từ lâu nên giờ ruộng khô, không đủ nước tưới, bà con lại tiếp tục lên đồi để phát những mảnh rừng mới làm nương rẫy.
Lật dở danh sách các hộ dân bị lập biên bản vi phạm hành chính về việc phá rừng đốt nương làm rẫy, ông Hà Văn Mận, Chủ tịch UBND xã Kiên Đài ngán ngẩm: “Thực sự chúng tôi cũng hết cách rồi. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2011 đã có 40 trường hợp vi phạm với hơn 20 ha rừng bị chặt phá, nhiều nhất là ở vùng ven khu vực đồi Khun Mạ. Xã đã lập biên bản phạt nhưng dân không chịu nộp tiền, thậm chí có nhiều trường hợp vừa phạt hôm trước hôm sau đã tái phạm. Cưỡng chế thì người dân đa phần là hộ nghèo nên rất khó. Tuyên truyền vận động cũng không ăn thua vì khi họ không có đất sản xuất, đói ăn, ruộng khô hạn thì sẽ sinh ra phá rừng, mà càng phá rừng thì càng nghèo và khô hạn. Cái vòng luẩn quẩn đó không biết đến khi nào mới chấm dứt được”.
Cũng theo ông Mận, trong năm nay đã có 30 trường hợp bị xử phạt hành chính với 25 ha rừng bị chặt phá nhưng rất ít hộ chịu nộp phạt, ngay cả việc gọi họ lên nhắc nhở, ký biên bản cũng không thực hiện được, xã cho người về tận thôn tìm thì họ bảo đã lên nương, rẫy nên đành chịu (!?).