ThienNhien.Net – Với chi phí dự kiến trên 6 tỷ USD, Bay Bridge – cây cầu mới của bang California nước Mỹ sẽ là một trong những kiến trúc đắt đỏ nhất từng được xây dựng khi nó được hoàn thành năm tới. Điều đáng nói là các bộ phận quan trọng của cây cầu này được lắp ráp ngay tại Thượng Hải, trong khi những lo ngại về tác động môi trường từ các dự án của nhà thầu Trung Quốc đang bắt đầu được quan tâm.
Bay Bridge chỉ là một trong số nhiều dự án cơ sở hạ tầng gần đây trên khắp nước Mỹ do Trung Quốc đóng vai trò nhà thầu chính. Các công ty Trung Quốc đã hoàn thành nhiều dự án xây dựng tại Mỹ như đấu trường lớn của Nam California, khách sạn casino ở thành phố Atlantic và những dự án cầu, tàu điện ngầm ở New York.
Theo báo cáo, các nhà thầu Trung Quốc đã giành được các hợp đồng xây dựng ở Mỹ với tổng trị giá hơn 1 tỷ USD chỉ tính riêng năm 2010. Tuy nhiên, cùng với mối quan tâm về nguồn lao động và các vấn đề an toàn xây dựng, các tác động liên quan đến môi trường đến nay vẫn chưa được quan tâm xứng đáng.
Dấu chân carbon quá lớn từ thép Trung Quốc
Trung Quốc hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, chiếm 45% sản lượng toàn cầu, gấp 8 lần so với Mỹ và ngày càng hướng tới việc xuất khẩu.
Theo Joe Cross thuộc Viện Kết cấu thép Hoa Kỳ, kết cấu thép từ Trung Quốc thường có dấu chân carbon gấp ba lần với thép được sản xuất tại Mỹ.
Lý do là các nhà sản xuất Mỹ đã sử dụng phương pháp lò hồ quang điện (Electric Arc Furnace-EAF) sử dụng tới 95% thép tái chế, trong khi đó, theo Hiệp hội Thép Thế giới, khoảng 90% thép sản xuất tại Trung Quốc sử dụng phương pháp lò thổi (BOF), phụ thuộc vào than cốc, quặng sắt (thường là nhập khẩu) và chỉ có 25% đến 30% thép tái chế.
Trên thực tế, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng dấu chân carbon của phương pháp lò thổi BOF của Trung Quốc còn có thể lớn hơn nhiều so với đánh giá của Hiệp hội Thép Thế giới. Và những nỗ lực của Trung Quốc trong việc chuyển đổi sang phương pháp EAF vẫn còn trong giai đoạn sơ khai.
Việc vận chuyển vật liệu từ Mỹ sang Trung Quốc chỉ đóng vai trò nhỏ trong những hậu của môi trường do những dự án gây ra bởi vì phần lớn nguyên vật liệu được chuyển bằng sà lan. Tuy nhiên, khí thải carbon từ công nghiệp vận tải biển đang bùng nổ, mà ngày càng tập trung vào Trung Quốc. Ước tính lượng khí thải này sẽ tăng lên từ 150% đến 250% vào năm 2050, theo nghiên cứu của Tổ chức Hàng hải Quốc tế.
Trong khi khí thải và các hậu quả để lại cho môi trường gắn liền với sản xuất điện và các quy trình công nghiệp của Trung Quốc đến nay vẫn chưa thể có thống kê chính xác thì về mặt sức khỏe, thép Trung Quốc đang gây lo ngại vì tạo nguy cơ mắc bệnh hen suyễn. Theo báo cáo của Liên Minh Sản xuất Mỹ – Alliance for American Manufacturing, các nhà sản xuất thép Trung Quốc thải ra 3,53kg lưu huỳnh dioxide cho mỗi tấn thép, trong khi đó con số này chỉ là 0,7kg đối với các nhà sản xuất Mỹ.
Ảnh hưởng gia tăng trên toàn cầu của các nhà xây dựng Trung Quốc
Theo bảng xếp hạng xây dựng quốc tế của Tập đoàn KHL, 5 trong 10 số nhà thầu lớn nhất của thế giới hiện nay đều là của Trung Quốc. Các doanh nghiệp xây dựng lớn của Trung Quốc chiếm khoảng 344 tỷ USD doanh thu riêng trong năm 2011.
Khả năng bỏ thầu rẻ hơn đối thủ cạnh tranh do chi phí nhân công và nguồn cung sản phẩm rẻ đã giành chiến thắng về tay các nhà thầu Trung Quốc tại gói thầu đập nước ở Châu Phi, đường cao tốc ở Ba Lan, các dự án đường sắt ở Nam Mỹ và gần đây nhất sân vận động ở Italia.
Việc các nhà chính trị Trung Quốc vận động hành lang cho các doanh nghiệp của họ có một chân trong các dự án đường sắt cao tốc ở Anh hay Mỹ đã không còn là điều xa lạ. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc không cần có tiếng tăm gì về bảo vệ môi trường.
Việc mở rộng toàn cầu của các công ty xây dựng đấu thầu thấp của Trung Quốc trong các dự án công thường đi kèm với phí tổn môi trường đáng kể. Theo đó, hiệu ứng nhà kính, năng lượng, nước, sử dụng đất, độc tố sinh thái cùng các tác động đến sức khỏe và cuộc sống của người dân – tất cả đều ở mức đe dọa.