ThienNhien.Net- Dù ở một đất nước giàu có phát triển nhất hay một quốc gia còn nghèo khó thì năng lượng bền vững và hiệu quả vẫn là một mục tiêu quan trọng trong một thế giới đang cạn kiệt tài nguyên và con người đang chịu lãnh hậu quả từ các hoạt động sản xuất năng lượng “bẩn”. Những dự án năng lượng nhỏ do cộng đồng sở hữu đã chứng tỏ một hướng đi phù hợp với mục tiêu này, đồng thời lại có thể mang ánh sáng đến với nhiều cộng đồng xa xôi khó tiếp cận với lưới điện quốc gia. Bài học về điện cộng đồng ở Đức và Nepal vì vậy có thể là một gợi ý, một kinh nghiệm đáng để tham khảo.
Có rất ít điểm tương đồng giữa Rangkhani của Nepan và Feldheim của Đức. Rangkhani chỉ là một trong rất nhiều ngôi làng khó khăn nằm tận vùng sâu vùng xa của một đất nước kém phát triển trong khi Feidheim lại là một cộng đồng làm nông nghiệp trang trại, hiện đại và thịnh vượng ở một trong những quốc gia giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu năng lượng và kiểm soát nguồn tài nguyên quan trọng cả hai ngôi làng này đều có các dự án năng lượng do chính cộng đồng địa phương sở hữu.
Từ một ngôi làng nghèo khó…
May mắn tìm đến với Rangkhani một thập kỷ trước, khi một dự án thủy điện nhỏ đã đưa ngôi làng này vào kỷ nguyên điện khí hóa, mang lại ánh sáng cho các hộ gia đình và nguồn điện cho các doanh nghiệp nhỏ. Thu nhập của địa phương và các cơ hội giáo dục từ đó được mở mang trong khi tác động sức khỏe do phải sử dụng đèn dầu giảm đi. Ngôi làng này đã trở thành một trong hàng nghìn ngôi làng của Nepal được điện khí hóa nhờ thủy điện nhỏ.
Điện cộng đồng của Nepal bắt đầu nở rộ 17 năm trước khi con đập khổng lồ Arun II bị Ngân hàng Thế giới từ chối đầu tư, một phần bởi vì dự án thủy điện nhỏ đã chứng tỏ rằng rất phù hợp để đáp ứng nhu cầu năng lượng của Nepal. Là một trong những nước sở hữu nguồn năng lượng thủy lợi chưa được khai thác lớn nhất thế giới nhưng mức độ điện khí hóa của Nepal rất thấp, đường dây truyền tải còn hạn chế và chưa hiệu quả. Những công trình thủy điện lớn đang được đề xuất chủ yếu là dành cho xuất khẩu và mang lại cái giá phải trả rất lớn đối với Nepal.
Ngược lại, ngành năng lượng tái tạo phi tập trung đang phát triển thịnh vượng và thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây. Hàng trăm nghìn người Nepal đã có cuộc sống tốt hơn nhờ sự mở rộng các dự án thủy điện nhỏ của quốc gia. Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) ước tính mỗi một hệ thống thủy điện nhỏ mới ở đây có thể giúp hình thành thêm 40 doanh nghiệp. Các công ty nhỏ cung cấp hệ thống khí sinh học và năng lượng mặt trời cho gia đình cũng đang phát triển thịnh vượng.
… đến một cộng đồng hiện đại và thịnh vượng
Điện cộng đồng cũng mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhiều cộng đồng của Đức – mặc dù không đột phá như ở Nepal. Cũng giống nhiều quốc gia phát triển khác, nước Đức đã có 100% hệ thống đường dây truyền tải, chủ yếu được cung cấp bởi bốn công ty năng lượng lớn. Tuy nhiên Đức cũng là nơi có lượng lớn người dân sở hữu hệ thống điện cộng đồng. Ngôi làng Felfheim là một ví dụ. 128 cư dân của ngôi làng này hiện đang sử dụng năng lượng từ 43 tuốc bin gió và các tấm pin năng lượng mặt trời. Năng lượng sưởi ấm cũng được lấy từ hệ thống khí sinh học sử dụng phân bón từ các trang trại địa phương.
Khảo sát cho thấy nhờ chuyển sang sử dụng năng lượng do cộng đồng tự tạo, chi phí điện năng đã giảm được tới 1/3. Một ngôi làng khác của Đức là Wildpoldsried còn sản xuất được ít nhất 300% lượng điện năng so với nhu cầu, tạo được nguồn thu 5,7 triệu USD mỗi năm nhờ bán năng lượng cho lưới điện quốc gia. Ngôi làng này sử dụng các tấm năng lượng mặt trời, bể khí sinh học, cối xay gió và các nhà máy thủy điện nhỏ.
Chính phủ đức khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo cộng đồng bằng chính sách và hỗ trợ tài chính như miễn thuế. Các “hợp tác xã” năng lượng sạch là một phần trong sự chuyển hướng năng lượng của đất nước này tới mục tiêu cắt giảm tiêu thụ điện năng, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, đồng thời phá vỡ thế độc quyền của 4 công ty năng lượng chính. Số lượng các “hợp tác xã” năng lượng đã tăng lên 6 lần kể từ năm 2007 lên tới con số 586 vào năm ngoái.
“Nhỏ là đẹp”
Năng lượng gió do cộng đồng quản lý là một trong những loại hình phổ biến nhất của điện cộng đồng. Tại Đan Mạch, quê hương của điện gió cộng đồng, khoảng 80% công suất thiết kế của điện gió là thuộc sở hữu của tư nhân hoặc các cộng đồng. Tại Đức, con số này vào khoảng 51%. Mặc dù phát triển chậm hơn nhưng tại Hoa Kỳ hai năm gần đây điện gió cộng đồng đã có tăng trưởng nhanh nhất trên thị trường điện gió của Mỹ.Các trang trại gió không chỉ mang lại nguồn điện sạch và sự tự chủ về nguồn năng lượng, chúng còn giúp đa dạng hóa nền kinh tế địa phương và mang lại nhiều nguồn lợi tài chính và việc làm hơn cho cộng đồng. Một báo cáo năm 2009 của Viện năng lượng quốc gia Hoa kỳ cho thấy con số việc làm trong xây dựng và vận hành của các dự án điện gió cao hơn rất nhiều các loại dự án khác. |
Ở nhiều nơi trên thế giới, “các hợp tác xã” năng lượng cũng đang được xây dựng hướng đến cộng đồng vì nhiều lý do như xây dựng cộng đồng, tạo nguồn năng lượng bền vững hơn, tạo công ăn việc làm cho người địa phương. Sự phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng bẩn tại địa phương đã thúc đẩy nhiều cộng đồng lựa chọn một loại năng lượng sạch hơn. Ở những cộng đồng nghèo hơn, việc tạo ra một nguồn cung năng lượng do địa phương làm chủ thường xuất phát từ nhu cầu bức thiết.
Thế giới hiện vẫn đang theo đuổi mô hình “lớn là đẹp” với hệ thống truyền tải điện quy mô lớn và các dự án năng lượng đồ sộ. Tuy nhiên thay đổi đang diễn ra khi mà người dân “sở hữu đường dây truyền tải” và mang dịch vụ quan trọng này tới cho cộng đồng của họ.”
Đối với 1,5 tỷ người không có điện trên hành tinh, phần lớn sống trong những cộng đồng có thể không bao giờ được kết nối với lưới điện quốc gia, thì một nguồn cung điện năng do địa phương sở hữu sẽ là một triển vọng sáng lạn.
Đối với những cộng đồng bị ảnh hưởng bởi những dự án phát triển năng lượng quy mô lớn nhằm thu lợi nhuận kinh tế thì năng lượng cộng đồng đã được chứng tỏ là một cách tiếp cận phù hợp để trao quyền cho người dân hơn là buộc họ phải di cư.
Tại Nepal các dự án năng lượng ở phạm vi phù hợp đã mang lại nguồn điện cho cộng đồng nhanh hơn với chi phí thấp hơn chi phí mà con đập Arun III có thể mang lại. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là cuộc cách mạng năng lượng quy mô nhỏ của Nepal đang gây dựng lên một nền kinh tế xanh.