ThienNhien.Net – Ngoại trừ các dự án thủy điện lớn đa mục tiêu, các dự án khác được đề xuất quy hoạch phải đảm bảo không chiếm dụng quá 10 ha đất các loại hoặc không di dời quá 01 hộ dân với 01 MW công suất lắp máy.
Đây là nội dung điểm e, khoản 1, Điều 4 của dự thảo Thông tư quy định về quản lý quy hoạch, xây dựng các dự án thủy điện hiện đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến đóng góp.
Ngoài quy định nêu trên, dự thảo cũng nêu rõ, đối với quy hoạch bậc thang thủy điện và quy hoạch thủy điện nhỏ, cần khảo sát, đánh giá sơ bộ về ảnh hưởng của các dự án đề xuất quy hoạch đối với dân cư, đất đai, nhu cầu khai thác và sử dụng nước phía hạ lưu; sơ bộ đánh giá và kiến nghị giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án đối với môi trường – xã hội như: xả dòng chảy tối thiểu cho hạ du; bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư; trồng hoàn trả diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng cho dự án…
Chủ đầu tư dự án phải là doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án. Cụ thể, phải đảm bảo vốn tự có đạt tối thiểu 30% tổng mức đầu tư và được các tổ chức tín dụng, ngân hàng cam kết bằng văn bản cho vay phần vốn đầu tư còn lại. Riêng với chủ đầu tư các dự án thủy điện đa mục tiêu, phải là doanh nghiệp có tối thiểu 51% vốn thuộc sở hữu của nhà nước.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định, Quy hoạch thủy điện phải phù hợp với Quy hoạch lưu vực sông, Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và các quy hoạch khác có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Quy hoạch thủy điện nhỏ phải phù hợp với Quy hoạch bậc thang thủy điện và Quy hoạch thủy điện tích năng đã được phê duyệt; Quy hoạch thủy điện tích năng phải phù hợp với Quy hoạch bậc thang thủy điện và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt.
Quy hoạch bậc thang thủy điện được lập thống nhất cho từng lưu vực sông, không chia cắt theo địa giới hành chính. Đối với các lưu vực sông đã phê duyệt Quy hoạch bậc thang thủy điện trên dòng sông chính, cho phép lập Quy hoạch bậc thang thủy điện trên các dòng sông nhánh nhưng phải đảm bảo phù hợp với Quy hoạch bậc thang thủy điện trên dòng sông chính.
Theo dự thảo của Thông tư, Quy hoạch thủy điện được lập thành Quy hoạch bậc thang thủy điện, Quy hoạch thủy điện nhỏ và Quy hoạch thủy điện tích năng, trong đó:
Quy hoạch bậc thang thủy điện là quy hoạch xác định các dự án thủy điện có thể đầu tư xây dựng với công suất lắp máy (Nlm) lớn hơn 30 MW trên một dòng sông hoặc hệ thống các dòng sông của một lưu vực sông. Quy hoạch thủy điện nhỏ là quy hoạch xác định các dự án thủy điện có thể đầu tư xây dựng với Nlm đến 30 MW trên các sông, suối nhánh của lưu vực sông. Quy hoạch thủy điện tích năng là quy hoạch xác định các vị trí có thể xây dựng được nhà máy thủy điện tích năng nhằm cung cấp công suất phủ đỉnh biểu đồ phụ tải của hệ thống điện quốc gia. |