ThienNhien.Net – Tham vấn các bên liên quan, trong đó có khối tổ chức dân sự xã hội là một trong những yêu cầu của tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện VPA/FLEGT đang được nỗ lực triển khai giữa Chính phủ Việt Nam và Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, để quá trình tham vấn đạt hiệu quả, góp phần thúc đẩy tiến trình đàm phán đạt kết quả cao hơn, các tổ chức xã hội dân sự cần có sự chuẩn bị chu đáo về mặt thông tin cũng như nâng cao năng lực tham vấn. Đây cũng chính là mục tiêu được đặt ra tại Hội thảo tập huấn lần 2 về “Nâng cao nhận thức cho các tổ chức dân sự về VPA/FLEGT và REDD+” do Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Việt Nam về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VNGO-FLEGT) tổ chức trong 3 ngày, từ 19-21/9, tại Hà Nội.
So với Hội thảo tập huấn lần 1 được tổ chức vào trung tuần tháng 7 vừa qua, Hội thảo lần 2 ngoài việc tiếp tục cung cấp các kiến thức, thông tin cập nhật về tiến trình đàm phán VPA/FLEGT còn mở rộng một số chủ đề liên quan khác như mối liên kết chặt chẽ giữa FLEGT và sáng kiến REDD+ và quản lý rừng bền vững.
Việt Nam đang ở đâu trong tiến trình đàm phán FLEGT?
Mặc dù còn không ít băn khoăn về VPA/FLEGT, song đa số ý kiến đều thừa nhận, FLEGT là một xu thế tất yếu và việc tham gia FLEGT mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam hơn là những rào cản thương mại.
Ngoài việc tiết kiệm thời gian, tăng uy tín trên thị trường, các doanh nghiệp tham gia FLEGT còn có thể đạt được mức giá tốt hơn trong thương mại, đặc biệt sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình từng lô hàng. Quan trọng hơn, FLEGT góp phần hạn chế nạn phá rừng và tiến tới đẩy lùi hoạt động buôn bán gỗ bất hợp pháp, giúp giảm nguy cơ xảy ra tham nhũng, tăng cường ngân sách cho hoạt động bảo vệ rừng cũng như các sáng kiến bảo vệ môi trường khác.
Chính những lợi ích thiết thực từ FLEGT, cả về trước mắt lẫn lâu dài là động lực quan trọng hối thúc Việt Nam nỗ lực triển khai các cuộc đàm phán với EU trước khi tiến tới ký kết hiệp định.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Tường Vân (Văn phòng Thường trực FLEGT và Lacey, Tổng cục Lâm Nghiệp, Bộ NN&PTNT), quá trình đàm phán về FLEGT với EU gồm 3 bước: chuẩn bị, tiến hành đàm phán, và thực hiện thỏa thuận, trong đó bước chuẩn bị là quan trọng nhất, quyết định tới sự thành công của cả tiến trình. Hiện Việt Nam đang ở bước thứ hai – bước tiến hành đàm phán, tuy nhiên điều này không có nghĩa là tất cả các khâu chuẩn bị đã xong bởi sau mỗi lần đàm phán, đề án lại phải xây dựng lại.
Cũng theo bà Vân, hiện còn một số vấn đề đang được cân nhắc thêm trong quá trình đàm phàn, đơn cử như việc có nên đưa toàn bộ chương 44 về gỗ và chương 94 về đồ gỗ (thuộc Bảng danh mục hàng hóa 2012 do Tổng cục Hải quan ban hành) vào danh mục hàng hóa cấp phép không, nếu có thì giấy và bột giấy cũng thuộc đối tượng áp dụng FLEGT.
Dự kiến vào tháng 11 tới, phiên đàm phán lần thứ 3 giữa Việt Nam và EU sẽ diễn ra tại Bỉ, tập trung vào các nội dung như: danh mục hàng hóa; định nghĩa gỗ hợp pháp của Việt Nam dự thảo 6; quy trình nhập cảng, cấp phép FLEGT của EU; hệ thống xác minh tính hợp pháp của gỗ dự thảo 3 cho 2 đối tượng: chủ rừng là tổ chức và chủ rừng là cá nhân/hộ gia đình, xác định cơ quan cấp phép FLEGT, cơ quan xác minh; nội dung văn bản của Hiệp định VPA; danh mục thuật ngữ; các điều khoản bổ sung.
Mối tương quan giữa FLEGT và REDD+
Cùng tập trung vào đối tượng chính là rừng nhưng được triển khai theo hai phương thức khác nhau nên lẽ dĩ nhiên FLEGT và REDD+ tồn tại những điểm chung và điểm khác biệt.
Theo ông Tim Dawson (Viện Lâm nghiệp Châu Âu – EFI), điểm chung của hai chương trình nằm ở chỗ khi thiết kế một chiến lược REDD+ hoặc một hệ thống để đảm bảo tính hợp pháp của các lâm sản (cơ sở cho một Hiệp định VPA), người dân tham gia có thể phải đối mặt với những thách thức thông thường như: khung pháp lý và quy định không rõ ràng, đặc biệt là các quy định liên quan tới vấn đề sử dụng đất và tiếp cận các nguồn lực; khó khăn trong việc tham gia của một số bên liên quan phụ thuộc vào rừng; các hệ thống thông tin và cơ chế minh bạch kém chất lượng, tham nhũng, và hệ thống thực thi luật pháp yếu kém.
Tuy nhiên, hai khái niệm cũng tồn tại những điểm khác biệt cơ bản. Với FLEGT, đây là một tiến trình đàm phán song phương và mục tiêu của FLEGT tập trung chủ yếu vào vào ngành lâm nghiệp, cụ thể là vấn đề quản trị rừng và sử dụng tài nguyên rừng. Trong khi đó, REDD+ là tiến trình đa phương, và đối tượng của REDD+ cũng rộng hơn, nó liên quan tới nhiều lĩnh vực cả trong và ngoài ngành lâm nghiệp như: nông nghiệp, khai thác mỏ, cơ sở hạ tầng, năng lượng, phát triển nông thôn.
Điểm thứ hai, mặc dù bản chất của FLEGT là song phương và trọng tâm hạn chế trong lĩnh vực lâm nghiệp, song chính điều này lại giúp FLEGT dễ dàng tiến tới những cam kết chặt chẽ hơn. Trong khi đó, với sự tham gia phức tạp của một loạt các bên liên quan ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế khiến tiến trình đạt được cam kết ở REDD+ trở nên khó khăn hơn, cần sự điều phối của nhiều ngành kinh tế khác.
Ngoài ra, trong khi khuôn khổ FLEGT tương đối rõ ràng và có thể dự đoán được đối với các bên liên quan để tham gia và chủ yếu hướng theo thương mại gỗ, thì REDD+ vẫn ở mức độ bất trắc khi mà các hoạt động đàm phán đa phương vẫn đang diễn ra và công tác chuẩn bị về thể chế và chính sách ở cấp quốc gia đang được xây dựng. Các dịch vụ các-bon lâm nghiệp và hệ sinh thái cũng là những khái niệm tương đối mới đối với nhiều bên liên quan.
Để tối đa hóa các cơ hội và lợi ích ở cấp quốc gia khi triển khai đồng thời cả hai chương trình, ông Tim Dawson cho rằng, điều quan trọng là phải thu hút sự đồng thuận và sự phối hợp giữa các quá trình chính sách hiện hành để làm cho chúng hỗ trợ lẫn nhau. Chẳng hạn, quá trình FLEGT có thể hỗ trợ quá trình lâm nghiệp quốc gia thông qua việc làm rõ khuôn khổ pháp lý của ngành, cải thiện công tác thực thi pháp luật, và cung cấp các cơ chế mới về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và kiểm soát. Đổi lại, tiến trình REDD+ được cung cấp thêm động lực để hỗ trợ cải cách ngành lâm nghiệp, tiếp cận nguồn tài chính và tăng cường sự quan tâm chính trị vào lâm nghiệp.
Thông tin trong bài có sử dụng nguồn tư liệu từ Bản tin FSSP số 32-33, tháng 1/2012 (chủ đề Quản trị rừng) của Văn phòng điều phối Đối tác hỗ trợ ngành lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT.