ThienNhien.Net – Là một trong những địa phương có nguồn động, thực vật khá phong phú, đa dạng nhưng Hà Tĩnh cũng được xem là “điểm nóng” về buôn bán động vật hoang dã. Sức “nóng” ở đây không chỉ dừng ở số vụ đã bị phát hiện, số lượng động vật hoang dã bị thu giữ mà còn liên quan trực tiếp đến hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã dọc tuyến biên giới Việt – Lào, điều rất khó có thể phòng ngừa và xử lý triệt để.
Con số thống kê gần đây tại Hà Tĩnh chắc hẳn sẽ khiến không ít người ngạc nhiên bởi chỉ trong 7 tháng đầu năm, địa phương này đã phát hiện và xử lý tới 11 vụ vi phạm, tịch thu hơn 3.717 kg động vật hoang dã các loại, trong đó có hơn 3.407 kg động vật hoang dã thuộc loại quý hiếm (chủ yếu là Kỳ Đà, thuộc nhóm IIB); 310 kg còn lại thuộc loại động vật hoang dã thông thường.
Mới đây nhất, ngày 4/9, trên tuyến quốc lộ 8A đoạn qua xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (PC49), Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện một ô tô mang nhiều biển kiểm soát giả chở 119 con tê tê (trọng lượng hơn 424kg), 4 cá thể hổ con còn sống.
Ngày 6/9, Chi cục Hải quan Hà Tĩnh tiếp tục phát hiện tại địa phận xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn 10 bao tải chứa 10 con kỳ đà với trọng lượng hơn 103 kg do đối tượng buôn lậu bỏ lại trên đường.
Theo ông Nguyễn Đình Kỳ, Phòng Pháp chế Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh, tính từ năm 2008 đến 6 tháng đầu năm nay, tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện, xử lý tổng cộng 137 vụ vi phạm về buôn bán động vật hoang dã trái phép, tịch thu 6.705 cá thể, tương đương 12.202 kg động vật rừng, gồm các loài: gấu, tê tê, chim, rùa, rắn, kỳ đà, nhím, chồn, lợn rừng, chim các loại…
Lý giải về thực trạng trên, ông Lê Minh Chất, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vì lợi nhuận thu được từ hoạtđộng buôn bán động vật hoang dã rất cao nên các đối tượng sử dụng mọi thủ đoạn và phương thức tinh vi nhằm gia tăng hoạt động buôn bán trái phép. Không chỉ thường xuyên sử dụng ô tô đắt tiền cùng nhiều biển số giả để chở hàng nhằm che mắt lực lượng chức năng, các đối tượng còn lợi dụng các thủ tục ở các cơ sở gây nuôi khi bán thanh lý để vận chuyển và buôn bán trái phép.
Bên cạnh những nguyên nhân xuất phát từ phía các đối tượng buôn bán cũng như nhu cầu sử dụng động vật hoang dã của người dân, nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép ngày càng diễn ra rầm rộ, khó kiểm soát là do chế tài xử lý còn nhiều hạn chế, tồn tại.
Ông Trần Việt Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) nhận định, trong công tác quản lý và xử lý các vụ buôn bán động vật hoang dã, việc tổ chức thực hiện quy chế phối hợp giữa các ngành đôi lúc chưa thực sự thường xuyên, hiệu quả; việc phối hợp giữa các ngành với các nước bạn trong việc nắm bắt, cung cấp thông tin cho nhau cũng hầu như không có. Mặt khác, chế tài xử lý tội phạm về buôn bán động vật hoang dã vẫn chưa đủ sức răn đe, một số quy định của pháp luật chưa chặt chẽ, ban hành chậm hoặc ban hành chồng chéo, gây khó khăn cho công tác xử lý.
Cũng theo ông Hưng, các loại động vật được buôn bán chủ yếu ở Việt Nam hiện nay là tê tê, hổ, tê giác, trong đó từ năm 2005 đến giữa năm 2012, riêng tê tê có 249 vi phạm bị phát hiện, tương đương hơn 40 tấn, địa điểm bị phát hiện phần lớn nằm ở các tỉnh phía Bắc nhưng chủ yếu là thuộc khu vực cửa khẩu Cầu Treo (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Về hổ, phát hiện 223 vụ vi phạm, tính đến 15/6, ở nước ta có 13 cơ sở nuôi nhốt hổ (3 cơ sở nhà nước và 9 cơ sở tư nhân) nhưng ít nhất 6 cơ sở tư nhân có dính líu tới hoạt động buôn bán trái phép.
Cần tăng cường tuyên truyền để đẩy lùi nạn buôn bán ĐVHD trái phép