ThienNhien.Net – Đây là yêu cầu chính trong nội dung Công văn số 05/BXD-GĐ vừa được Bộ Xây dựng ban hành nhằm hướng dẫn UBND các tỉnh, thành kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các đập hồ thủy điện, thủy lợi. Công văn được phê duyệt từ cuối tháng 8, tức trước thời điểm xảy ra tình trạng mưa lũ kéo dài gây sạt lở, ngập lụt tại nhiều địa phương trên cả nước.
Theo nội dung công văn, Bộ Xây dựng yêu cầu các tỉnh rà soát lại toàn bộ các đập hồ thủy điện, thủy lợi thuộc phạm vi kiểm tra, đánh giá (các hồ chứa có dung tích dưới 3 triệu m3 và chiều cao đập dưới 15 m) trên địa bàn, đảm bảo không bỏ sót đối tượng công trình.
Quy trình kiểm tra bao gồm:
– Kiểm tra, đánh giá thực trạng các đập (bề mặt thượng lưu, hạ lưu đập, các khe nhiệt, cửa nhận nước, vai đập, hành lang kiểm tra (nếu có)
– Kiểm tra, đánh giá an toàn đập thông qua các số liệu quan trắc. Cụ thể, đối với những công trình có lắp thiết bị quan trắc, cần làm rõ tình trạng làm việc của các thiết bị quan trắc. Đặc biệt, cần đánh giá kỹ tình trạng đập qua các mùa lũ và các biểu hiện bất thường đã xuất hiện, đã được xử lý. Lưu ý đến mực nước hồ ở thời điểm kiểm tra. Đối với những công trình không có bố trí thiết bị quan trắc, cần đánh giá kỹ thông qua các biểu hiện bất thường của đập, nguy cơ tiềm ẩn, kết quả khắc phục nếu có.
– Kiểm tra sự làm việc bình thường của các đập thông qua các kết quả vận hành trong những năm gần đây.
– Đánh giá trách nhiệm của chủ đập về việc thực hiện các quy định tại Nghị định 72/2007/NĐ-CP ngày 7/5/2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập.
Sau khi kiểm tra, các đoàn tổ chức họp với chủ đầu tư/chủ đập, đơn vị tư vấn thiết kế và các đơn vị có liên quan tại công trình để thông qua từng nội dung đánh giá. Toàn bộ các kết luận, đánh giá phải được công khai tại cuộc họp giữa các bên, có chữ ký của trưởng đoàn kiểm tra và đại diện chủ đập/chủ đầu tư .
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đánh giá, UBND tỉnh lập báo cáo đánh giá chung gửi Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ.