ThienNhien.Net – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) đang trong quá trình soạn thảo một Thông tư mới thay thế cho các quy định hiện hành về quản lý gấu nuôi nhốt. Thông tư này được kỳ vọng sẽ nâng tầm công tác bảo vệ loài gấu tại Việt Nam thông qua việc lấp những lỗ hổng và làm sáng tỏ những “điểm mập mờ” trong quy định tại Quyết định 95/2008/QĐ-BNN ngày 29/9/2008 về việc ban hành Quy chế quản lý gấu nuôi.
Năm 2005, Bộ NN&PTNT thể hiện cam kết chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam thông qua chương trình đăng ký quản lý gấu nuôi, gắn chip nhận dạng, và yêu cầu các chủ gấu phải chăm sóc gấu nuôi đến hết đời. Mục tiêu của Chương trình là ngăn chặn gấu mới phát sinh tại các trang trại sau thời hạn đăng ký quản lý gấu, từ đó dần xóa bỏ tình trạng nuôi gấu bằng cách để số lượng gấu nuôi đã đăng ký chết dần một cách tự nhiên trong quá trình nuôi nhốt tại các trang trại.
Thực tế cho thấy Chương trình đã và đang đạt được những thành công nhất định. Theo thông tin từ Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, số lượng gấu đang được nuôi nhốt trong các trang trại là khoảng 2.385 cá thể – giảm gần một nửa so với thời kỳ cao điểm nhất, năm 2005 với 4.500 cá thể.
Năm 2006, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quy chế quản lý gấu nuôi kèm theo Quyết định 47/2006/QĐ-BNN (ngày 06/06/2006). Quy chế này được đánh giá cao với những quy định khá rõ ràng và mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi, củng cố hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu. Tuy nhiên, năm 2008, Bộ NN&PTNT đã thay thế văn bản này bằng Quyết định 95/2008/QĐ-BNN. Đáng tiếc Quyết định này lại bị đánh giá là một bước thụt lùi so với các quy định trước đó vì không bao gồm một số điều khoản quan trọng, được đánh giá là có ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu ở Việt Nam, được nêu rõ trong Quy chế trước đó.
Thông tư mới đang được soạn thảo để thay thế Quyết định 95/2008/QĐ-BNN được kỳ vọng sẽ khắc phục những điểm yếu hiện tại để đảm bảo mục tiêu chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu vì mục đích thương mại ở Việt Nam, đồng thời tái khẳng định cam kết của Bộ NN& PTNT trong việc chấm dứt nạn buôn bán và khai thác gấu trái pháp luật.
Là một tổ chức đã có nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn nạn buôn bán ĐVHD và tuyên truyền bảo vệ loài gấu, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho rằng thông tư mới cần được bổ sung, sửa đổi một số điểm (đa phần đã có trong Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 47/2006/QĐ-BNN).
Thứ nhất, ngừng việc phát triển các cơ sở nuôi nhốt gấu bằng việc nghiêm cấm phát sinh gấu mới tại các cơ sở nuôi nhốt dù là gấu sinh ra trong điều kiện nuôi nhốt hay gấu bị săn bắt từ tự nhiên và đưa vào các trang trại.
Gấu sinh ra trong điều kiện nuôi nhốt phải được chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền trừ trường hợp khi sinh ra tại cơ sở có giấy phép hoạt động vì mục đích khoa học, giáo dục hoặc bảo tồn. Để đạt tiêu chuẩn là cơ sở khoa học, giáo dục hoặc bảo tồn được cho phép nhân nuôi gấu, cơ sở này phải cam kết không có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến khai thác gấu hoặc các bộ phận của chúng.
ENV ghi nhận đến nay đã có ít nhất bảy cơ sở nuôi nhốt và vườn thú tư nhân có gấu mới sinh ra. Theo một số cơ quan chức năng địa phương và người dân thì việc khai thác mật gấu vẫn xảy ra tại một số cơ sở vườn thú tư nhân và công viên giải trí vốn vẫn thường tuyên bố là hoạt động vì mục đích giáo dục và bảo tồn. Các quy định hiện nay không đề cập đến việc tịch thu gấu con được sinh ra từ các trại gấu nên mục tiêu chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu khó có thể đạt được vì các trang trại sẽ thay thế gấu có nguồn gốc từ tự nhiên bằng “gấu được sinh ra trong điều kiện nuôi nhốt”. Điều này mâu thuẫn với cam kết của Bộ NN&PTNT trong việc xóa bỏ dần các cơ sở nuôi nhốt gấu và là một kẽ hở nghiêm trọng khuyến khích việc tiếp tục khai thác và buôn bán gấu.
Hai là, các hoạt động giết hại, khai thác, vận chuyển và kinh doanh liên quan đến mật gấu và các bộ phận của gấu cần được quy định rõ là những hành vi bị cấm như đã từng quy định trong Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 47/2006/QĐ-BNN. Giữa các chủ trại gấu và cơ quan chức năng có trách nhiệm quản lý các cơ sở nuôi nhốt gấu nhất thiết phải có sự nhận thức rõ ràng rằng bất cứ hình thức khai thác nào liên quan đến gấu đều là vi phạm pháp luật và là lý do để tịch thu gấu và xử phạt chủ nuôi theo các quy định của pháp luật.
Thứ ba, Thông tư mới cần tái khẳng định lại thực tế là Nhà nước không công nhận quyền sở hữu cá nhân đối với những cá thể gấu đã được đăng ký trong các cơ sở nuôi nhốt gấu. Điều này từng được quy định tại Điều 2 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 47/2006/QĐ-BNN nhằm làm cho các chủ nuôi gấu nhận thức rõ rằng việc tiến hành đăng ký tất cả các cá thể gấu trong các cơ sở nuôi nhốt không có nghĩa Nhà nước công nhận quyền chủ sở hữu hợp pháp của chủ gấu. Trên thực tế, trước đó, tất cả gấu ban đầu trong các cơ sở nuôi nhốt đều là nuôi giữ trái phép.
Thứ tư, Thông tư cần tuyên bố rõ ràng, như đã từng quy định tại Điều 2 quy chế ban hành kèm theo Quyết định 47/2006/QĐ-BNN rằng mọi cá thể gấu nuôi trái với quy định đều bị tịch thu.
Cuối cùng, Thông tư cần tái khẳng định yêu cầu tịch thu tất cả các thể gấu không có đăng ký được phát hiện sau thời điểm hết hạn đăng ký năm 2006 để cả chủ nuôi và cơ quan chức năng địa phương hiểu rằng những cá thể gấu mới đều bị coi là bất hợp pháp và phải bị tịch thu.
Cho tới trước tháng 9 năm 2011, ENV đã lưu hồ sơ hơn 146 cá thể gấu được đăng kí bởi cơ quan chức năng địa phương sau ngày hết hạn đăng ký theo quy định. Tuy nhiên, kể từ tháng 9 năm 2011, cơ sở dữ liệu của ENV cho thấy không còn trường hợp tiếp tục đăng ký gấu mới tại các địa phương. Các cá thể gấu bất hợp pháp được phát hiện đều đã bị tịch thu theo quy định.
Như vậy, Thông tư mới đang được soạn thảo được kỳ vọng sẽ giải quyết những vấn đề mang tính cấp bách và khôi phục “sức mạnh” của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 47/2006/QĐ-BNN, đồng thời thắt chặt công tác quản lý các cơ sở nuôi nhốt gấu, lấp lỗ hổng, loại bỏ những điểm mập mờ, và trao quyền cho cơ quan chức năng địa phương trong việc thực thi mục tiêu xóa bỏ tình trạng nuôi nhốt gấu vì mục đích thương mại cũng như tăng cường công tác bảo vệ các loài gấu của Việt Nam.