ThienNhien.Net – Hiện nay, tại các vùng sản xuất rau, hoa tập trung của Lâm Đồng như Đơn Dương, Đức Trọng, Đà Lạt… nông dân đã sử dụng phổ biến công nghệ cao màng phủ trên cây trồng cà chua, dâu tây, bí ngô…
Màng phủ nông nghiệp còn gọi là “màng bạt” hay “thảm”, là một loại nhựa dẻo, mỏng, chuyên dùng để phủ liếp trồng. Việc sử dụng màng phủ nông nghiệp đã giúp tăng hiệu quả kinh tế một cách ổn định cho người trồng rau.
Màng phủ có một mặt đen ngăn cản ánh sáng mặt trời, làm hạt cỏ bị chết trong màng phủ, giảm công làm cỏ trong suốt thời gian cây dâu tây ở trong nhà kính và ngoài vườn. Cỏ dại không những cạnh tranh dinh dưỡng với rau mà còn là nơi trú ngụ của côn trùng gây hại, đồng thời việc làm cỏ không những tốn chi phí mà còn làm động rễ, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây rau.
Theo anh Nguyễn Hữu Minh (xã Xuân Thọ, Đà Lạt), sử dụng màng phủ cho cây dâu tây sẽ giảm 90% công làm cỏ. Bên cạnh đó, màng phủ góp phần điều hòa độ ẩm mặt đất và giữ cấu trúc đất, ngăn cản sự bốc hơi của phân đạm (urea), làm giảm sự thẩm lậu và rửa trôi của phân bón khi tưới nước hoặc mưa to. Theo tính toán của anh, năng suất dâu tây bình quân trong năm cao hơn phương pháp canh tác truyền thống (phủ rơm hoặc không phủ) từ 10% – 30% trong điều kiện canh tác bình thường. Sau khi đã trừ hết các chi phí đầu tư kể cả chi phí màng phủ, gia đình anh thu được khoảng 100 triệu đồng/năm từ hơn 1000m2 nhà kính trồng dâu tây.
Ông Nguyễn Đức Bình – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ cho biết: Xuân Thọ là địa phương chuyên sản xuất rau, hoa, nên bà con đã biết cách áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp như hệ thống nhà lưới, nhà kính… Trong đó, sử dụng màng phủ nông nghiệp được nông dân áp dụng vào trồng dâu tây và cây cà chua. Màng phủ có tác dụng hạn chế cỏ dại mọc, chống thoát nước, giữ ẩm cho bộ rễ của cây. Bên cạnh đó, tầng lá dưới của cây luôn khô ráo nên hạn chế được các loại sâu bệnh phát triển. Ngoài ra, sử dụng màng bạt sẽ hạn chế côn trùng gây hại. “Chúng tôi sẽ mở rộng nhiều vườn rau, cây trồng có sử dụng màng phủ này” – ông Bình chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, công nghệ màng phủ cũng có những mặt hạn chế nhất định, đáng kể nhất là việc người nông dân chỉ có thể sử dụng màng phủ cho cây trồng trong thời gian từ sáu tháng đến một năm. Mặt khác, do màng phủ được làm bằng nhựa khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên nên nếu bị vứt bừa bãi, màng phủ lưu tồn lâu ngày trong đất dễ gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là điều mà bà con nông dân cần lưu ý trong việc sử dụng màng phủ nông nghiệp trong sản xuất để có thể đạt hiệu quả một cách bền vững.