ThienNhien.Net – Nghiên cứu mới đây của tổ chức Oxfam, Thời tiết cực đoan, Giá cả leo thang, khẳng định rằng tác động đầy đủ của biến đổi khí hậu đối với giá lương thực trong tương lai chưa được đánh giá đúng mức.
Báo cáo nghiên cứu này là một phần trong chiến dịch GROW của Oxfam nhằm hướng tới một thế giới no đủ cho mọi người. Đây là nghiên cứu đầu tiên nhấn mạnh tới việc các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán và lũ lụt có thể làm tăng giá lương thực trong tương lai. Các nghiên cứu trước thường chỉ tập trung xem xét các thay đổi chậm ví dụ như tăng nhiệt độ và thay đổi lượng mưa.
Nghiên cứu của Oxfam đã mở rộng quy mô và tập trung xem xét tác động của các kịch bản thời tiết khắc nghiệt đối với giá lương thực viễn cảnh 2030. Theo đó, một trận hạn hán lớn cấp độ quốc gia ở Ấn Độ và ngập lụt trên toàn khu vực Đông Nam Á có thể đẩy giá gạo trên thị trường thế giới tăng 22%. Điều này có thể dẫn đến giá gạo về lâu dài gia tăng đột biến đến 43% tại thị trường nội địa các nước nhập khẩu gạo như Nigeria, nước đông dân nhất châu Phi.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng thậm chí theo một kịch bản thận trọng, một trận hạn hán ở Hoa Kỳ vào năm 2030 cũng có thể làm giá ngô tăng 140% và cao hơn mức giá lương thực trung bình năm 2030, gấp đôi giá ngô ở thời điểm hiện tại. Cũng theo kịch bản này, giá lúa mỳ và ngô ở Đông Nam Á có thể tăng đến 40%.
Cố vấn chính sách biến đổi khí hậu của Oxfam, ông David Waskow cho biết những đột biến về giá sẽ là cú giáng lớn đối với những người nghèo nhất, những người hiện nay phải chi đến 75% thu nhập để mua lương thực.
“Giá tăng đột biến thì ai cũng cảm nhận được và những người nghèo nhất sẽ hứng chịu nặng nề nhất. Tác động tiềm ẩn lớn nhất của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đối với giá lương thực trong tương lai chưa được bàn đến trong các cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu hiện nay. Thế giới cần thức tỉnh để nhận ra những hậu quả nặng nề mà hệ thống lương thực của chúng ta có thể phải hứng chịu nếu không hành động trước biến đổi khí hậu. Khi lượng khí phát thải tiếp tục gia tăng, thời tiết khắc nghiệt ở Hoa Kì cũng như bất cứ nơi nào trên thế giới là bức phác thảo về hệ thống lương thực tương lai của chúng ta trong bối cảnh trái đất đang ấm lên. Hành tinh của chúng ta đang có xu hướng nóng hơn trung bình 2.5-5 độ C trong thế kỉ này. Đã đến lúc phải đối mặt với nạn đói và suy dinh dưỡng của hàng triệu người trên hành tinh”, ông Waskow nhấn mạnh.
Oxfam cũng kêu gọi các đại biểu tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 2 về Nông nghiệp, An ninh lương thực và Biến đổi khí hậu đặt nhu cầu, quyền và lợi ích của các hộ sản xuất lương thực quy mô nhỏ làm trung tâm của chính sách biến đổi khí hậu và nông nghiệp.