ThienNhien.Net – Một nghiên cứu mới đây cho rằng sự gia tăng lượng mưa và nhiệt độ do biến đổi khí hậu có thể mang lại nhiều thuận lợi cho nền nông nghiệp khu vực Đông Nam Á, trái ngược với nhiều dự đoán vẫn cho rằng sự ấm lên toàn cầu sẽ làm giảm sản lượng nông nghiệp trong khu vực.
Nghiên cứu, do các nhà khoa học thuộc Viện Quản Lý Nước Quốc Tế (IWMI) thực hiện, dự đoán lượng mưa ở nhiều khu vực thuộc Đông Nam Á sẽ duy trì ổn định, và hầu hết những thay đổi sẽ xảy ra trên biển chứ không phải trên đất liền.
Chẳng hạn, ở miền Nam Việt Nam và Campuchia, những thay đổi lượng mưa nhỏ tới mức gần không gây ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Ở khu vực miền Trung và miền Bắc Myanmar, lượng mưa tăng lại giúp cải thiện sản lượng lương thực, vì đây là nơi khô hạn nhất khu vực.
Nhiệt độ tăng còn có thể giúp gia tăng năng suất cây trồng ở các vùng phía Bắc Thái Lan, Lào và Myanmar.
Lacombe, tác giả chính của nghiên cứu cho rằng phát hiện này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách trong khu vực lên kế hoạch đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu: “Nghiên cứu có thể giúp duy trì an ninh lương thực bằng việc chỉ ra vùng có xu hướng lượng mưa thay đổi mạnh mẽ nhất sau một thời gian dài. Qua đó giúp các nhà chức trách xác định những khu vực ưu tiên can thiệp nhằm ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu.”
Nghiên cứu được thực hiện nhờ sử dụng hệ thống mô hình động lực khí hậu khu vực -PRECIS (Providing Regional Climates for Impacts Studies), được thiết kế trên hệ điều hành mã nguồn mở (Linux) giúp dự đoán chính xác hơn những thay đổi thời tiết ở khu vực bất kỳ.
Bên cạnh những kết luận tích cực, Lacombe cũng chỉ ra các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp ở khu vực Đông Nam Á. Chẳng hạn, mực nước biển tăng có thể gây ra xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Biến đổi khí hậu còn làm gia tăng số lượng sâu bệnh và dịch bệnh nông nghiệp.
Ngoài ra, các tác giả của nghiên cứu cũng khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc kỹ lưỡng các dự báo thời tiết dựa vào các mô hình thời tiết khác ngoài PRECIS, bởi vì đây chỉ là mô hình dự báo thời tiết khu vực, chưa phải mô hình toàn cầu.
Cuối cùng, các tác giả kêu gọi những nghiên cứu sâu hơn tập trung vào sự tương tác giữa các xu hướng của khí hậu với những thay đổi khác về môi trường do sự gia tăng dân số và kinh tế trong khu vực.