ThienNhien.Net – Mạng lưới Bảo vệ Sông 3S và Tổ chức Sông ngòi Thế giới vừa công bố một báo cáo cảnh báo về những nguy cơ mà việc phát triển thủy điện trên lưu vực sông Sêsan, Srêpok và Sêkông (3S) có thể mang lại cho khu vực và người dân sống dựa vào nguồn tài nguyên của các con sông này.
Báo cáo với tiêu đề Dòng sông 3S đang bị đe dọa: Tìm hiểu những nguy cơ và thách thức mới đối với đa dạng sinh học và quyền lợi của cộng đồng lưu vực 3S do phát triển thủy điện đã điểm lại các hệ lụy do việc phát triển thủy điện trên lưu vực trong quá khứ, đồng thời cũng đề cập tới các chính sách, chương trình nghị sự và các nhân tố góp phần định hình sự phát triển này.
Đồng thời, Báo cáo cung cấp thông tin về một số nhân tố có sức ảnh hưởng tới sự phát triển của thủy điện trong khu vực như các thể chế tài chính quốc tế. Đơn cử, dù không còn trực tiếp tham gia xây dựng đập trong khu vực song Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) được nhận định là đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy trao đổi năng lượng trong khu vực. Hơn nữa, việc ngân hàng này hỗ trợ triển khai xây dựng hệ thống truyền tải điện năng trong khu vực cũng được cho là đã mang lại tính khả thi về kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời của nhiều dự án thủy điện.
Trong số hơn 20 đập thủy điện đã được xây dựng trên lưu vực 3S và 26 dự án khác đang được lên kế hoạch, có một số dự án được cho là quy hoạch kém, để lại những ảnh hưởng tiêu cực lên môi trường và cuộc sống của người dân sống dựa vào các dòng sông này.
Báo cáo cũng cho rằng một số sáng kiến song phương và khu vực do chính phủ các nước thiết lập đang thúc đẩy sự phát triển thủy điện ở lưu vực 3S.
Báo cáo trên được thực hiện với kỳ vọng giúp các nhà hoạch định chính sách và công chúng nhận thức rõ hơn về các thách thức mà nguồn tài nguyên của con sông 3S hiện đang phải đối mặt và sự cần thiết phải gắn kết việc quản lý tài nguyên của các con sông này với sinh kế và tương lai của người dân.
Lưu vực sông 3S là một chi lưu chính của dòng sông Mê Kông nằm trên lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Lưu vực 3S đang nuôi dưỡng gần 3,5 triệu người với nhiều dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào nguồn tài nguyên của con sông. Khu vực này cũng được thừa nhận có giá trị cao về đa dạng sinh học nhờ nguồn thủy sản và hệ sinh thái trên cạn phong phú với 20% diện tích lưu vực hiện tại là các khu vực được bảo tồn.
Bạch Dương