ThienNhien.Net – Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản đã cụ thể hoá chính sách “người gây ô nhiễm phải trả tiền” theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005.
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, hoạt động ký quỹ bảo vệ môi trường đã bộc lộ một số bất cập trong cách tính mức ký quỹ, thẩm định dự án phục hồi môi trường cũng như khả năng giám sát thực hiện của người dân địa phương.
Chiều 30/8, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức hội thảo về chính sách và cơ chế tài chính cho bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường, Tổng cục Môi trường Nguyễn Hoài Đức, công tác ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản đã được triển khai khá đồng bộ tại các địa phương. Trình tự và thủ tục ký quỹ được quy định rõ ràng, việc kiểm tra, xác nhận đã hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường được quy định cụ thể, giúp tổ chức, cá nhân sau khi hoàn thành có thể rút tiền ký quỹ thuận tiện.
Tính đến hết tháng 9/2011 đã có 92 dự án của 72 đơn vị ký quỹ với số tiền trên 32 tỷ đồng. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhận được 39 báo cáo của UBND các tỉnh, TP về công tác ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường.
Đặc biệt, các quy định về cách tính khoản tiền ký quỹ và các phương thức ký quỹ: khoản tiền ký quỹ xác định trong dự án cải tạo, phục hồi môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; quy định thời điểm các tổ chức, cá nhân phải ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với từng đối tượng, từng trường hợp đã được thực hiện rất chặt chẽ.
Tuy nhiên, công tác ký quỹ vẫn còn bộc lộ một số vướng mắc như mới có quy định với từng dự án riêng lẻ trong khi trong thực tế hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra trên diện rộng, với quy mô lớn liên vùng, liên mỏ, do nhiều tổ chức, cá nhân cùng khai thác.
Công tác thẩm định dự án cải tạo, phục hồi môi trường và khoản tiền ký quỹ liên quan đến nhiều ngành khác nhau trong khi cán bộ chuyên ngành môi trường chưa đủ năng lực, kinh nghiệm nên gây khó khăn cho công tác thẩm định.
Mặt khác, nhận thức của cộng đồng về quyền lợi người dân khu vực có khai thác khoáng sản còn thấp. Cộng đồng và các tổ chức xã hội tại địa phương có điểm mỏ khoáng sản ít tham gia thực hiện vai trò giám sát thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các đơn vị khai thác trên địa bàn.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định 71 để góp phần khắc phục những khó khăn vướng mắc trên.
Theo đó, Quyết định sửa đổi sẽ điều chỉnh một số đối tượng áp dụng, quy định mới về cách tính khoản tiền ký quỹ, phương thức, trình tự và cách quản lý, sử dụng tiền ký quỹ… để đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.