ThienNhien.Net – Ngày 29/8, tại bờ biển huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi, hơn 2.300 người dân đã tham gia diễn tập ứng phó với sóng thần mang mật danh “ST-12”.
Theo kịch bản, Viện Vật lí địa cầu phát bản tin cảnh báo sóng thần nguy hiểm do một trận động đất rất mạnh có cường độ 8,8 độ richter đã xảy ra ngoài khơi phía Tây đảo Luzon (Philippines), gây ra sóng thần lan truyền vào bờ biển Việt Nam với độ cao từ 5-8m. Sau hơn 2 giờ, sóng thần lan truyền tới bờ biển từ tỉnh Quảng Bình đến Bình Thuận (khu vực 3 và 4) với độ cao khoảng 5-8m.
Khi bảng tin thông báo sóng thần ập vào bờ biển Quảng Ngãi, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh yêu cầu Ban chỉ huy PCLB và TKCN các huyện ven biển và huyện đảo Lý Sơn khẩn trương sơ tán nhân dân cách mép biển khoảng 500m và lên vùng đất có độ cao trên 10m. Ngoài ra, các tàu thuyền hoạt động gần bờ khẩn trương di chuyển vào vũng neo đậu tàu thuyền an toàn.
Thông tin sóng thần tràn vào bờ biển huyện Đức Phổ được đón nhận, đài truyền thanh huyện liên tục thông báo cho người dân, các cơ quan chức năng và Đồn Biên phòng Sa Huỳnh tham gia ứng phó với sóng thần. Cùng lúc nhận tin báo, Đồn Biên phòng Sa Huỳnh dùng còi hú báo động phòng không liên tục, dùng máy e-com thông báo các đài tàu đang hoạt động ngoài biển và phát tín hiệu bằng pháo sáng màu đỏ. Các loa truyền thanh xã, loa tay, đánh kẻng báo động liên tục vang lên.
Đến bản tin số 3 tiếp tục phát thông báo, lực lượng quốc phòng hướng dẫn toàn bộ người dân thôn Thạch By 2 (xã Phổ Thạnh) khẩn trương sơ tán lên điểm cao khu vực núi Đá Heo và trụ sở Đồn Biên phòng Sa Huỳnh. Đối với người dân khu vực Đông xóm Cồn, thôn Thạch By 1 (xã Phổ Thạnh) chạy sơ tán về hướng Đông, lên tàu cá vượt qua sông và di chuyển lên khu vực bình độ 50 của điểm cao 95.
Theo tình huống giả định, có 3 tàu cá chạy vào bờ cách 500m thì bị hỏng máy gồm tàu cá QNg 44310 TS của ông Nguyễn Tiến Lực, QNg 44553 TS của ông Bùi Thiên và QNg 44728 TS của ông Trần Tấn Thành. Lúc này, lực lượng biên phòng dùng tàu gần đó phối hợp lai dắt 3 tàu cá gặp nạn vào bờ.
Sau khi sóng thần ập vào bờ biển huyện Đức Phổ, ước tính thiệt hại giả định ban đầu đã làm chết và mất tích 300 người, trong đó chủ yếu là ngư dân, bị thương hơn 150 người, làm sập khoảng 500 căn nhà, nhấn chìm và mất tích gần 50 tàu cá. Ngay lập tức, lực lượng y tế, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên cùng hàng ngàn người dân đổ ra bờ biển cứu chữa những người dân bị thương, tìm kiếm nạn nhân tử vong khi hiểm họa sóng thần vừa tan.
Tham dự cuộc diễn tập ứng phó với sóng thần, có đại diện các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bộ Quốc phòng và đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, ngành của tỉnh Quảng Ngãi.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi kiêm Trưởng Ban chỉ đạo diễn tập, cho biết: “Cuộc diễn tập nhằm kiểm nghiệm hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin, năng lực lãnh đạo, điều hành và sức mạnh tổng hợp theo phương châm “4 tại chỗ”. Từ đó, địa phương từng bước hoàn thiện hệ thống tiếp nhận thông tin cảnh báo sóng thần và xây dựng phương án thực hiện tốt hơn. Đặc biệt, người dân nâng cao nhận thức, chủ động tìm hướng phòng tránh khi có sóng thần hoặc thiên tai xảy ra”.