ThienNhien.Net – Ghi nhận kinh nghiệm thất bại trong công tác tái định cư của các dự án phát triển, nghiên cứu mới nhất của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) nhận định cần có một hướng dẫn để quản lý dòng người di cư trước bối cảnh biến đổi khí hậu đang dần khiến con người mất môi trường sống quen thuộc.
Quyền lợi của người di cư do biến đổi khí hậu chưa được quan tâm
Trong hầu hết các trường hợp, những nỗ lực di cư và tái định cư cho các dự án phát triển thường chưa mang lại thành công trong việc đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng buộc phải di cư. Nghiên cứu của OHCHR vì vậy nhấn mạnh sự cần thiết phải hoạch định các chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi và nâng cao đời sống của những người dân bị đẩy ra khỏi nhà vì biến đổi khí hậu.
Tác giả của nghiên cứu trên, bà Elizabeth Feriris, cho rằng chính phủ các nước và cộng đồng quốc tế cần thảo luận về chính sách dành cho những người di cư vì biến đổi khí hậu trong tương lai, đối tượng mà theo dự đoán của các nhà khoa học có thể lên đến hàng triệu người dưới tác động của hiện tượng nước biển dâng, sạt lở ven sông và bão lũ.
Trên thực tế, một hiệp ước dành cho người di cư vì biến đổi khí hậu cũng đã được ủng hộ, nhưng nỗ lực này chưa giành được sự chú ý thích đáng từ cộng đồng quốc tế. Tương tự, nỗ lực đưa quyền được bảo hộ cho người di cư vì biến đổi khí hậu vào Công ước Khung của Liên hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) đến nay cũng chưa có kết quả đáng kể.
Và tương tự như sự thất bại của các chính phủ trong việc tạo ra một hiệp ước cắt giảm khí nhà kính toàn cầu đã thúc đẩy các nỗ lực ở địa phương để giảm khí thải ở nhiều quốc gia, việc thiếu một hiệp ước quốc tế về di cư do khí hậu cũng đã khơi dậy những nỗ lực ở cộng đồng địa phương.
Đơn cử, Alyssda Johl – thành viên đoàn luật sư của Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế cho biết bà đang chuẩn bị đến Papua New Guinea cùng một nhóm chuyên gia để hỗ trợ một chương trình di dân do chính cộng đồng khởi xướng. Tại đây, một hội đồng những người cao tuổi ở đảo san hô vòng đã không chờ đợi chính phủ mà tự thỏa thuận để mua một khu đất ở lãnh thổ tự trị Bougainville và đang xem xét phương án di dân khi nơi ở của họ hiện nay đang bị BĐKH đe dọa.
Để xảy ra tình trạng này, theo bà Johl, là do các chính phủ lại thường chỉ quan tâm đến hiệu quả hoặc lợi ích cho họ chứ không đứng về phía lợi ích của người buộc phải di dân.
Cần một hướng dẫn chung quản lý luồng di dân do biến đổi khí hậu
Nghiên cứu của LHQ chỉ ra một số khó khăn trong việc xây dựng hướng dẫn quản lý di cư do biến đổi khí hậu, bao gồm cả việc đưa ra một định nghĩa được quốc tế chấp nhận về một mảnh đất không thể duy trì sự sống và nguyên nhân là do biến đổi khí hậu chứ không phải một lý do nào khác.
Trong nghiên cứu của mình Ferris cũng lưu ý rằng, di dân có kế hoạch không được quan tâm như các loại hình di dân khác nhưng có vai trò quan trọng. Và các cơ quan nhà nước cần có nhiều biện pháp chủ động hơn để đảm bảo rằng nếu buộc phải di dân do môi trường không duy trì được sự sống thì việc di dân phải được thực hiện theo hướng đảm bảo quyền lợi của người dân.
Cuối cùng, nghiên cứu của OHCHR kêu gọi sự hợp tác giữa các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực phát triển và hoạt động nhân đạo lập nên các nguyên tắc chung nhằm ngăn ngừa tình trạng di dân tự do, đảm bảo quyền tham vấn của cộng đồng và giúp người dân buộc phải di dân do biến đổi khí hậu làm quen và cải thiện cuộc sống ở nơi ở mới.
Nghiên cứu cũng nhấn mạnh việc đảm bảo tài chính cho hoạt động di dân cùng các cam kết rõ ràng vì quyền lợi của các cộng đồng bị ảnh hưởng.