ThienNhien.Net – Nghiên cứu mới nhất, do Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Đại học Quốc gia Australia thực hiện, cho thấy các con đập thủy điện xây dựng trên dòng chính Mê Kông có thể tác động tiêu cực đến nguồn cung protein của 60 triệu người và gián tiếp gây sức ép lên nguồn nước và đất đai do yêu cầu bù đắp nguồn protein từ cá.
Nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Global Environmental Change và được trình bày tại Tuần lễ nước Stockholm, đúng lúc có nhiều tranh luận nóng bỏng về thủy điện trong khu vực này.
Sông Mê Kông là ngôi nhà của hơn 850 loài cá nước ngọt, cung cấp tới 80% nhu cầu protein của 60 triệu cư dân sống dựa vào con sông này. Hiện có 11 dự án thủy điện trên dòng chảy chính của con sông đã được đề xuất và 77 dự án khác đang được lên kế hoạch đến năm 2030 .
Nghiên cứu nói trên với tiêu đề “Đập thủy điện Mê Kông: Thiệt hại nguồn protein từ cá và các hệ lụy tới tài nguyên đất và nước” (Dams on the Mekong River: Lost fish protein and the implications for land and water resources) đã đưa ra 2 kịch bản: Thay thế nguồn protein từ cá bị mất đi do 11 con đập đang được đề xuất xây dựng ở hạ nguồn và thay thế toàn bộ lượng protein từ cá bị mất đi trên tổng 88 con đập được lên kế hoạch.
Theo kết quả nghiên cứu, nếu tất cả 11 con đập ở hạ nguồn được xây dựng, nguồn cung cá được dự đoán giảm đi 16%, với thiệt hại tài chính ước tính 476USD một năm. Ở kịch bản 88 dự án xây đập hoàn thiện, tổng nguồn cung về cá sẽ giảm 37,8%.
Ngoài ra, nghiên cứu này còn xem xét các ảnh hưởng lên đất đai và nguồn nước khi người dân buộc phải chuyển sang sử dụng các sản phẩm từ bò, lợn và gia cầm để bù đắp lượng protein từ cá. Theo đó, với 1.350km2 đất bị mất đi để làm hồ thủy điện thì các quốc gia cần ít nhất 4.863km2 phục vụ chăn nuôi để bù đắp nguồn protein thay thế từ cá. Thậm chí, ở kịch bản tồi tệ nhất, nếu tất cả các đập được xây dựng trên diện tích 24.188km2 thì diện tích đất cần thiết để chăn nuôi gia súc gia cầm sẽ phải tăng lên 63%.
Thêm nữa, nhu cầu về lượng nước có thể tăng trung bình khoảng từ 6 – 17%. Thậm chí, đối với Lào và Campuchia, con số trung bình này sẽ còn phải cao hơn. Cụ thể, với kịch bản 11 đập hạ nguồn được xây dựng, Campuchia có thể cần thêm 29-64% lượng nước cho trồng trọt và chăn nuôi; “dấu chân nước” của Lào có thể tăng 12-24%. Còn với kịch bản số 2, con số này sẽ tăng lên gấp bội, với 18 – 56% đối với Lào và 42 – 150% đối với Campuchia.
Với những kết quả từ nghiên cứu, WWF tiếp tục khuyến cáo các nước ở hạ lưu sông Mê Kông hoãn các dự án xây dựng đập thủy điện trên dòng chảy chính trong 10 năm để đảm bảo các số liệu quan trọng được thu thập và đánh giá một cách kỹ càng. Đồng thời WWF cũng khuyến cáo các nước cân nhắc xây dựng các dự án thủy điện tại một số dòng nhánh vì vừa dễ tiếp cận lại ít ảnh hưởng đến môi trường.