ThienNhien.Net – Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Đại học Washington cho thấy con người đã đánh giá chưa đúng vai trò của đập thủy điện đối với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu cho thấy lượng mê tan phát thải tăng tới 20 lần khi mực nước ở các hồ thủy điện hạ do các bong bóng khí bị vỡ.
Trước đây, vai trò của hồ tự nhiên, hồ nhân tạo chưa được quan tâm nhiều ở khía cạnh phát thải các bon, hầu hết các nghiên cứu chỉ quan tâm tới sự phát thải ở các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng hóa thạch, nhà máy và rác.
Thực tế, có nhiều chu trình sinh học đáng chú ý tại các hồ chứa thủy điện vì đây là nơi các sinh vật sống tích tụ. Xác chết của các sinh vật đó khi phân hủy sẽ sinh ra khí mê tan, tập trung ở đáy hồ.
Khi mực nước hạ, đáy hồ nóng lên, dưới sức nóng của mặt trời khí mê tan sẽ bốc hơi vào khí quyển. Quá trình này xảy ra càng nhanh vào mùa hè vì nồng độ oxy thấp ở đáy hồ đẩy nhanh hoạt động của các vi sinh vật.
Nghiên cứu này được đánh giá là rất quan trọng trong công tác quản lý hồ chứa. Nó giúp tính toán phương pháp tối ưu, thời điểm phù hợp để hạ mực nước cũng như sử dụng hay không sử dụng một số loại cây, loại đất cho thích hợp.