ThienNhien.Net – Trước đây, người ta vẫn tin rằng nguy cơ mắc ung thư khi phơi nhiễm phóng xạ chỉ tồn tại vài năm. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất của Tiến sỹ Kiyohiko Mabuchi, thuộc Viện nghiên cứu Ung thư Bethesda, Maryland (Hoa Kỳ) đã xác định nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp ở trẻ em sống sót sau thảm họa hạt nhân ở Hiroshima và Nagasaki tồn tại cao hơn mức bình thường, thậm chí sau 50 năm tính từ thời điểm phơi nhiễm.
Các nghiên cứu trước đây đã khẳng định rằng các tế bào tuyến giáp dễ bị ảnh hưởng bởi phóng xạ.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học so sánh chẩn đoán của những bệnh nhân ung thư có và không sống ở Nhật vào thời điểm đánh bom (1945).
Rất ít bằng chứng cho thấy phơi nhiễm phóng xạ ở độ tuổi trưởng thành là nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, có tới 36% trong số 191 ca ung thư tuyến giáp là do bệnh nhân tiếp xúc với phóng xạ ở tuổi thiếu niên và nhi đồng sống sót sau thảm họa hạt nhân ở Hiroshima. Tổng cộng có 371 ca ung thư tuyến giáp được phát hiện từ năm 1958 đến 2005 trên 105000 người sống sót sau thảm họa hạt nhân đã nêu.
Một kết quả khác của nghiên cứu còn cho biết các tế bào tuyến giáp càng trẻ thì nguy cơ bị tổn thương càng cao.
Nghiên cứu khác của John Broice (ĐH Vanderbilt, Tennessee) cũng có kết quả tương tự. Ông cho biết, các tế bào tuyến giáp, nếu tồn tại thì luôn bị ảnh hưởng bởi phóng xạ, trừ phi lượng phóng xạ quá lớn đến nỗi hủy diệt tế bào.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đồng ý rằng chưa rõ nghiên cứu này có áp dụng cho các nạn nhân thảm họa hạt nhân ở Fukushima hay không. May mắn là Chính phủ Nhật Bản đã hành động rất kịp thời và chỉ có rất ít người tiếp xúc với phóng xạ hạt nhân trong thảm họa đó. Cụ thể, chụp cắt lớp vi tính vùng đầu cho thấy chỉ có 2 millisieverts phóng xạ từ các nạn nhân của thảm họa này (so với 350 millisieverts quan sát thấy ở các nạn nhân Chernobyl).
Thêm nữa, dẫu có tiếp xúc với phóng xạ thì một lượng nhỏ cũng có thể không ảnh hưởng nhiều lắm đến nguy cơ mắc ung thư. Tuy vậy, ta không thể chủ quan với các tác động lâu dài của tia phóng xạ, đặc biệt là đối với trẻ em. Điều này có thể bao gồm cả phóng xạ từ thiết bị y tế như máy chụp cắt lớp. Mặc dù lượng phóng xạ từ mỗi lần chụp là rất nhỏ song cũng không hẳn là không đáng kể, đặc biệt khi chụp não và ngực.