ThienNhien.Net – Giữa tháng 8 này, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn đề nghị Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh tiến hành xả nước để cung cấp nước tưới cho vùng hạ du đang có nguy cơ mất trắng nhưng các nhà máy thủy điện này viện nhiều lý do tới nay vẫn không chịu xả nước.
Báo Nông thôn ngày nay ngày 24/08/2012 dẫn lời ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Quảng Nam cho biết nhiều diện tích lúa dọc sông Thu Bồn, Vu Gia của hai huyện Điện Bàn và Duy Xuyên đang mất trắng vì Thủy điện Đắk Mi 4 (Phước Sơn) và A Vương (Đông Giang) không chịu xả nước chống hạn.
Ông Muộn chia sẻ thêm, trước khi UBND tỉnh Quảng Nam gửi công văn cho Bộ Công Thương và EVN, Sở NN&PTNT Quảng Nam đã làm việc với đại diện Thủy điện Đắk Mi 4 và được cho biết tổ máy phát điện số 1 bị hư, đang sửa. Tuy nhiên, khi sửa xong thì lãnh đạo đơn vị này lại nói rằng, EVN mua điện ít nên phải phát điện cầm chừng, không thể xả nước về hạ du.
Theo ông Muộn, lúa vụ hè thu đã trổ đòng được hơn 2 tuần, bây giờ thủy điện có xả nước cũng không thể cứu được nên toàn bộ hơn 300ha lúa của hai huyện trên mất trắng. Không những lúa, người dân vùng hạ du cũng không có nước ngọt để dùng, vì độ mặn ở các sông Thu Bồn, Vu Gia đang lên rất cao.
Hiện tại, dọc sông Vu Gia trên địa bàn huyện Đại Lộc chỉ có 5/21 trạm bơm còn hoạt động được vì mực nước trên sông đã cạn tới đáy. Những trạm bơm còn hoạt động được là nhờ việc nạo vét lòng sông trước cửa bơm. Chi phí cho những lần nạo vét như vậy có thể lên đến nhiều trăm triệu đồng.
Các đoạn sông qua hai huyện khô hạn nhất của Quảng Nam là Điện Bàn và Duy Xuyên đều đã bị mặn xâm nhập. Độ mặn tại trạm bơm Tứ Câu (Điện Bàn) đã lên mức 10/1000, cao gấp 8 lần mức cho phép để bơm tưới.
Ngoài ra, TP.Đà Nẵng cũng bị ảnh hưởng khi các thủy điện không xả nước đẩy mặn trên sông. Độ mặn của nước ở Nhà máy Nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng) đã tăng gấp 5-6 lần mức cho phép.